Tổ hợp tác (THT) là mô hình kinh tế tập thể đang có xu hướng phát triển và ngày càng khẳng định vai trò là điểm tựa, góp phần nâng cao năng lực cho kinh tế hộ trong nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, giống như tình hình chung của cả nước, việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của các THT tại tỉnh ta đang gặp phải “rào cản” đáng kể.
Thực tế cho thấy, mô hình THT rất phù hợp với nhu cầu của người lao động, nhất là người nghèo ở nông thôn. Bởi nó đáp ứng và khắc phục được một số hạn chế của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kinh nghiệm sản xuất và cơ hội tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật. THT còn góp phần củng cố ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau nhưng vẫn đảm bảo tính tự chủ kinh tế hộ của các thành viên.
“Ba cây chụm lại…”
Một chuyên gia về kinh tế hợp tác đã nói “những gì một người không thể làm được thì nhiều người có thể” - đó là mục đích của kinh tế tập thể, trong đó có mô hình THT. Những hộ làm chè ở các xóm Sơn Thắng 1, 2 và 3 của xã Sơn Phú (Định Hóa) càng thấm thía điều này. Tuy thuộc vùng chè trọng điểm của huyện với thổ nhưỡng phù hợp và truyền thống làm chè hàng chục năm, nhưng sản phẩm chè búp khô của bà con chỉ bán được khoảng 60.000 đồng/kg. Những người tâm huyết với cây chè như ông Đặng Văn Dân luôn trăn trở phải làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá bán khi người dân cứ mạnh ai nấy làm, chạy theo sản lượng.
Ông Dân nói: Khi một số người trong xóm đề xuất thành lập THT để cùng làm chè VietGAP tôi đồng tình và tham gia ngay. Từ khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (tháng 8-2013), sản phẩm chè của chúng tôi bán được giá cao hơn rất nhiều (trung bình khoảng 120.000 đồng/kg chè búp khô).
THT sản xuất chè an toàn Sơn Thắng hiện có 38 hộ thành viên với tổng diện tích chè khoảng 32ha, được chia thành 3 nhóm giám sát lẫn nhau nhằm đảm bảo quy trình sản xuất chè sạch. Theo Tổ trưởng Lê Mạnh Thìn, các thành viên đều có ý thức chấp hành quy định của Tổ cũng như quy trình làm chè VietGAP, cùng xây dựng và giữ uy tín sản phẩm chè Sơn Thắng, bởi họ đã thấy rõ lợi ích từ việc này. Đồng thời luôn thể hiện tinh thần đoàn kết bằng việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường và thực hiện đổi công cho nhau. Về định hướng phát triển, ông Thìn cho biết thêm: Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục đề nghị tỉnh cấp Bằng công nhận làng nghề chè mà trong đó THT là nòng cốt, về lâu dài sẽ kết nạp thêm thành viên và thành lập hợp tác xã.
Ngoài THT sản xuất chè an toàn Sơn Thắng, huyện Định Hóa còn khá nhiều THT hoạt động hiệu quả như: THT sản xuất nấm ATK Phú Tiến, THT sản xuất và chế biến mỳ gạo Bao thai Định Hóa, THT sản xuất chè an toàn Phú Hội I, THT Bình Minh… Trong đó THT xóm Đồng Phương, xã Đồng Thịnh là một mô hình khá mới và hiệu quả của huyện. Vốn có nghề xay xát và kinh doanh lúa gạo, ông Phạm Xuân Liễu giao kèo với hàng chục hộ dân trong và ngoài xã chuyên cấy các giống lúa đặc sản như: Bao thai, DSI, nếp vải, nếp cái hoa vàng (tổng diện tích khoảng 40ha). Các hộ có nhu cầu sẽ được ông cung cấp giống lúa và phân bón trả chậm, đổi lại hộ tham gia phải cấy giống lúa chuẩn, đảm bảo chất lượng thóc và cam kết bán sản phẩm cho gia đình ông. Vì đã có uy tín và tạo được đầu ra ổn định nên ông Liễu luôn thu mua thóc với giá cao hơn giá thị trường, được nhiều người hưởng ứng tham gia liên tục 5 năm qua.
Còn “rào cản”
Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trên địa bàn hiện có 756 THT hoạt động ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ xây dựng, vận tải và vệ sinh môi trường… Con số thực tế có thể lớn hơn nhiều vì tình trạng các THT thành lập nhưng không có chứng thực của UBND cấp xã theo quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của THT, còn khá phổ biến. Hoạt động của các THT đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Mô hình này đang được khuyến khích và hỗ trợ phát triển, nhưng hiện tồn tại một số hạn chế nên chưa phát huy tốt tiềm năng và đáp ứng nhu cầu thực tế.
Không ít cán bộ địa phương chưa nắm rõ bản chất của THT cũng như vai trò, giá trị của mô hình này, công tác tuyên truyền, định hướng và tư vấn vì thế chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí có trường hợp người dân đến đề nghị tư vấn thủ tục thành lập và hoạt động của THT, cán bộ phụ trách ở một địa phương đã từ chối vì không hiểu và khuyên người này lên hỏi cấp trên. Trong khi nhận thức của nhiều người dân về THT và các quy định liên quan còn hạn chế do thiếu thông tin, nếu có thành lập được THT thì cũng lúng túng trong hoạt động nên thường thiếu hiệu quả và bền vững. Vì vậy dù số lượng khá nhiều nhưng số THT hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên là không lớn.
Ông Ngô Quốc Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho rằng, còn một số bất cập và hạn chế khác nhưng đây có thể coi là rào cản chính đối với việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của các THT hiện nay. THT thành lập mang tính tự phát thường tổ chức thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác lỏng lẻo do đó không đảm bảo sự bền vững. Vì vậy huyện đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn nội dung liên quan đến kinh tế hợp tác xã, THT (trong tháng 9 và 10 năm nay sẽ có 6 lớp được tổ chức cho gần 500 người) và chú trọng tới hoạt động tư vấn. Đồng thời tăng cường vai trò của cấp xã trong quản lý và phát triển THT…
Vai trò của mô hình THT đã được khẳng định cũng như nhu cầu hợp tác ngày càng gia tăng. Vấn đề đặt ra là các địa phương và cơ quan liên quan cần quan tâm khắc phục những hạn chế đang tồn tại, bên cạnh sự nỗ lực của chính các THT và những sáng lập viên.