Sau khi đấu thầu bãi đất hoang hoá với diện tích 5ha, ông Nguyễn Kiên Hùng, ở xóm Bá Vân 1, xã Bình Sơn (T.X Sông Công) đã đầu tư cho việc trồng rừng. Nhờ quyết tâm cải tạo vùng đất khó và bàn tay lao động cần cù, ông Hùng đã trồng nên những cánh rừng bạt ngàn với nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Chúng tôi đến nhà ông Hùng đúng dịp ông đang thuê thợ xẻ gỗ để làm nhà cho con trai, trong sân nhà, ông xếp đầy những cây gỗ keo to gần chục năm tuổi. Tốp thợ nói vui: Ông Hùng là “trùm gỗ” của xóm này nên muốn làm nhà thì chỉ cần lên rừng đem gỗ về là có nhà.
Ngược dòng thời gian, ông Hùng tâm sự với chúng tôi về những tháng ngày gian khó để có được thành quả như hôm nay: Trước đây, gia đình ông chủ yếu sống nhờ việc cấy lúa, trồng chè, tuy lao động vất vả nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Đến năm 2007, khi xóm Bá Vân 1 tổ chức đấu thầu bãi đất ven sông Công, ông liền nghĩ đến chuyện thử vận may với việc đầu tư trồng rừng. Biết ý định của ông, người trong xóm ai cũng nghĩ ông “liều” vì người ta thường trồng rừng ở đồi, núi, chứ mấy ai trồng rừng ở soi, bãi như ông, nhất là khi bãi đất đó lại toàn cây cỏ rậm rạp và hố, thùng, vũng sâu do việc khai thác cát, sỏi trước đó. Vợ con ông cũng ra sức ngăn cản khi thấy việc làm của ông quá mạo hiểm, ai cũng nghĩ rồi ông sẽ thất bại là cái chắc. Bỏ qua những lo lắng, khuyên can của mọi người, ông Hùng vẫn quyết định thầu đất để trồng rừng trong thời gian 15 năm.
Sau khi nhận đất, ông vay tiền ở ngân hàng và anh em, bạn bè để thuê máy xúc, máy ủi về san bằng các thùng, vũng. Làm đến đâu, ông mua cây keo về trồng đến đó, do thời gian đầu rễ cây còn yếu, lại trồng trên vùng đất cát nên diện tích keo ông trồng cứ còi cọc, kém phát triển khiến ông cũng cảm thấy hoang mang, nhưng với suy nghĩ “đâm lao phải theo lao” ông mày mò tìm hiểu các cách chăm sóc keo bằng nhiều hình thức, cuối cùng ông chọn cách tăng lượng phân bón cho keo vừa để cải tạo đất, vừa cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng cho cây phát triển. May mắn là cách làm của ông đã đem lại hiệu quả bất ngờ, sau một thời gian được chăm bón cẩn thận, cây keo trở nên cứng cáp hơn, rễ keo đâm sâu vào lòng đất và vươn mình xanh tốt.
Theo ông Hùng thì trồng keo ở soi, bãi khiến cho cây phát triển nhanh hơn so với trồng ở đồi, núi rất nhiều bởi hàng năm đất ở đó được phù sa bồi đắp, có nhiều chất dinh dưỡng. Vậy nên rừng keo của ông trồng được 6 năm tuổi đã to bằng cây keo gần 7 năm tuổi trồng ở vùng đồi, núi. Năm 2013, ông Hùng bán được lứa keo đầu tiên với giá 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông vẫn lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm thứ 3, khi cây chưa đến tuổi thu hoạch, ông còn được tỉa cành bán làm chất đốt, 5ha rừng đã giúp ông có thêm nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng từ việc tỉa cành, cây bị còi cọc, sâu bệnh.
Theo chân ông Hùng “mục sở thị” rừng keo của gia đình, chúng tôi được thoả mắt ngắm nhìn màu xanh non mỡ màng, đầy sức sống của những cây keo gần 1 năm tuổi, đây là lứa keo thứ 2 ông Hùng trồng sau khi cho thu hoạch đồng loạt lứa thứ nhất. Nhìn thành quả lao động của mình, ông Hùng cho biết: Trồng rừng để phủ xanh đất trống, khi được thu hoạch gỗ thì rừng mang lại nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên cũng cần phải nắm vững được đặc tính của cây để có mật độ trồng thích hợp, áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Ngoài ra, phải thường xuyên dọn thực bì để đảm bảo cây phát triển tốt và phòng, chống cháy rừng. Trung bình 1ha rừng trồng khoảng 1.600 cây, sau 5 đến 6 năm thì bắt đầu được thu hoạch. Hiện nay, việc chăm sóc 5ha rừng đều do 2 vợ chồng tôi làm, nhờ có rừng, gia đình tôi không những lo được cuộc sống đầy đủ mà còn có một khoản nhất định để dành. Ngoài trồng rừng, hằng năm, gia đình tôi còn có thêm nguồn thu nhập từ việc trồng chè và chăn nuôi. Với 3 sào chè và hơn chục con lợn thịt nuôi gối lứa, mỗi năm tôi cũng được thu từ 60 đến 70 triệu đồng.