Phát triển công nghiệp ở Phổ Yên

11:06, 10/09/2014

Việc khu công nghiệp (KCN) Yên Bình I tiếp tục mở rộng, thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đang tạo nên khu vực công nghiệp sầm uất phía Đông Bắc huyện Phổ Yên.

Với lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, huyện Phổ Yên đã sớm được nhìn nhận là địa điểm thu hút đầu tư lý tưởng khu vực phía Nam của tỉnh. Cũng vì vậy mà trong số những KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1854/TTg-KTN ngày 08/10/2009 về điều chỉnh bổ sung các KCN tỉnh Thái Nguyên, Phổ Yên đã “sở hữu” đến 3 KCN gồm KCN Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên và một phần KCN Điềm Thụy. Trong số những KCN này, KCN Nam Phổ Yên được đánh giá cao nhất vì “án ngữ” cửa ngõ phía Nam của tỉnh, giáp huyện Sóc Sơn, Hà Nội và chỉ cách sân bay Nội Bài 25 km. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt tại KCN này như: Công ty cổ phần Prime Phổ Yên, Công ty cổ phần Elovi Việt Nam, Công ty AVIA…

 

Tuy nhiên, việc đầu tư vào 2 KCN còn lại khá trầm lắng và trên thực tế xu hướng đầu tư KCN trên địa bàn huyện Phổ Yên sớm thay đổi khi đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được xây dựng. Thời điểm này, KCN Tây Phổ Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa ra khỏi danh mục các KCN cả nước đến năm 2020. Thay vào đó, KCN Yên Bình cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1645/TTg-KTN ngày 15/10/2012 với diện tích 200ha, nằm trên địa bàn 3 xã Đồng Tiến, Hồng Tiến và thị trấn Bãi Bông (Phổ Yên). Và chưa đầy một năm sau, với lợi thế vượt trội là nằm sát đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, gần Hà Nội, cộng với những ưu đãi, nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị của tỉnh và huyện Phổ Yên, KCN Yên Bình đã thu hút thành công Tập đoàn Samsung vào đầu tư. Từ thành công bước đầu này, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Thái Nguyên, lựa chọn đầu tư vào KCN Điềm Thụy và Yên Bình, tạo nên khu vực sản xuất công nghiệp sầm uất phía Đông Bắc huyện Phổ Yên.

 

Nhìn từ tốc độ phát triển của KCN Yên Bình và Điềm Thụy, nhiều chuyên gia nhận định, khu vực Đông Bắc huyện Phổ Yên - nằm dọc theo tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chính là “mảnh đất vàng” để đầu tư sản xuất công nghiệp của huyện. Bởi lẽ, khu vực này có giao thông thuận lợi, địa thế khá bằng phẳng và dân cư thưa thớt. Thêm vào đó, đây cũng là khu vực đã được quy hoạch vào Tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình với diện tích trên 8.000ha (trong đó có gần 5.000ha thuộc địa bàn huyện Phổ Yên). Ngoài ra, cần nhìn nhận một thực tế rằng, ngoài khu vực phía Đông Bắc, huyện Phổ Yên chỉ còn lại khu vực phía Tây có quỹ đất rộng, bằng phẳng, thưa dân cư nhưng lại khó phát triển KCN vì điều kiện giao thông hạn chế.

 

Về những lĩnh vực công nghiệp sẽ phát triển trong tương lai, huyện Phổ Yên đang có thế mạnh về các ngành công nghiệp công nghệ cao như: điện, điện tử; thiết bị thông tin liên lạc; công nghiệp phần mềm… Đây đều là những ngành công nghiệp sạch, có tính cạnh tranh cao. Theo ông Hoàng Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Yên Bình thì trong chiến lược dài hơi của Công ty, Tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình sẽ tập trung phát triển các ngành ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo phương án vừa bảo tồn vừa phát triển mới, trong đó phần diện tích đất phát triển mới chủ yếu là đất đồi, đất nông nghiệp năng suất thấp với diện tích khoảng 4.789ha, sẽ được quy hoạch đồng bộ để tạo lực hút đầu tư về: Khu công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, du lịch, dịch vụ và bảo tồn văn hoá.

 

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Phổ Yên đã có 12 khu, cụm công nghiệp (CCN). Ngoài 3 KCN nêu trên, huyện có 9 CCN nằm rải rác trên địa bàn là: CCN số 2, 3 cảng Đa Phúc, Nam Tiến 1, 2, Tân Hương, Vân Thượng, Đắc Sơn, Tân Phú. Những nhà hoạch định chiến lược kinh tế đang nhìn thấy sự tương hỗ hợp lý trong việc tổ chức các CCN này. Trong tương lai, đây sẽ là khu vực tận dụng cao độ tài nguyên đất và nguồn nhân lực dồi dào để phát triển công nghệ phụ trợ, làm vệ tinh cho các KCN trung tâm.

 

Có thể nói, xu hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung tại khu vực phía Đông Bắc rất phù hợp với thế mạnh về thổ nhưỡng, vị trí địa lý và giao thông của huyện Phổ Yên. Để tiếp tục phát triển mạnh khu vực công nghiệp này, huyện Phổ Yên đang nỗ lực thực hiện bài bản, nhanh chóng khâu quy hoạch, bảo vệ quy hoạch, cải thiện thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy kết nối hạ tầng, điện, nước…

 

Ông Bùi Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên cho biết: Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, huyện đã có kế hoạch tiếp tục ưu tiên những diện tích đất đồi bạc màu, đất nông nghiệp có giá trị sử dụng thấp chuyển sang đất xây dựng các KCN, CCN, đặc biệt là Tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình. Thời gian qua, huyện cũng triển khai các biện pháp quyết liệt bảo vệ quy hoạch; cải thiện thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tin tưởng rằng, với những nỗ lực này, ngành công nghiệp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục phát triển, tạo thế và lực cho thị xã công nghiệp Phổ Yên trong tương lai, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng tỉnh ta thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.