Sức mạnh tài chính của VIB cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam

14:35, 23/09/2014

Theo Moody's, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Vietinbank là 2 ngân hàng có chỉ số sức mạnh tài chính (BFSR) cao nhất Việt Nam.

Theo thông báo ngày 22/9/2014 từ hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody's), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cùng với Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã trở thành 2 ngân hàng có chỉ số sức mạnh tài chính (BFSR) cao nhất trong số 9 ngân hàng lớn tại Việt Nam.

 

Chỉ số sức mạnh tài chính cơ sở BCA của VIB được tăng lên mức B3 so với Caa1 trước đây. VIB là ngân hàng duy nhất được thăng hạng trong số 9 ngân hàng được Moody’s đánh giá ngày 22/9/2014. Song song với việc thăng hạng chỉ số sức mạnh tài chính, Moody’s cũng đã thăng hạng xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ của VIB lên B2 - là một trong 2 ngân hàng có thứ hạng cao nhất.

 

Theo Moody’s, cơ sở cho sự thăng hạng của VIB bao gồm hệ số an toàn vốn cấp 1 cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam (16.3%), năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro nổi trội với sự hỗ trợ tích cực của cổ đông chiến lược là ngân hàng CBA, sự cải tổ trong chiến lược kinh doanh trong 2 năm qua hướng đến phát triển bền vững và các chiến lược trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu hiệu quả.

 

Đối với VIB, đây là một thông tin tích cực, nằm trong dự đoán của VIB, trong bối cảnh các hãng xếp hạng tín nhiệm và các định chế tài chính quốc tế bắt đầu nhìn nhận về các ngân hàng Việt Nam có sự phân hóa rõ rệt hơn về năng lực nội tại, tầm nhìn, tính minh bạch và bền vững trong kinh doanh. Trước đó, vào quý I năm 2014, VIB cũng vừa nhận giải thưởng “Nhà phát hành tốt nhất Châu Á Thái Bình Dương” từ Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC.

 

Theo lãnh đạo VIB, việc thăng hạng của Moody’s đối với VIB là kết quả của cả một quá trình chuyển đổi 3-4 năm qua của VIB, với một số điểm nhấn đáng kể như sau:

 

Chiến lược thay đổi cơ sở khách hàng đã giúp VIB thoát khỏi các phân khúc khách hàng rủi ro cao và hướng tới các doanh nghiệp/cá nhân có tiềm lực tài chính tốt, có nhu cầu vay vốn lành mạnh để phát triển kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Để thực hiện triệt để chiến lược này trong 3 năm qua, VIB đã thay đổi căn bản khẩu vị rủi ro, chấp nhận lãi biên giảm mạnh để thu hút các khách hàng tốt và triển khai tập trung hóa phê duyệt tín dụng;

 

Văn hóa quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro là sự nổi trội và lợi thế cạnh tranh, yếu tố này được Ban lãnh đạo, toàn bộ tập thể cán bộ nhân viên VIB đặt lên vị trí quan trong hàng đầu và là kim chỉ nam cho mọi hoạt đông của ngân hàng. Trong quản trị rủi ro, khẩu vị rủi ro được xác định cho từng thời kỳ phù hợp với chiến lược phát triển. Ngân hàng thường xuyên có hệ số an toàn vốn cao nhất hệ thống ngân hàng TMCP Việt nam, ở mức 16-18%. Trong thời gian thị trường bất ổn, ngân hàng đã đầu tư nhiều vào danh mục các tài sản an toàn, có tính thanh khoản cao mà theo báo cáo của Moody’s đã lên đến 25% tổng tài sản vào 6/2014. Ngân hàng cũng đã rất quyết liệt trong việc xử lý các khoản nợ có vấn đề kể từ khi các món nợ quá hạn hoặc có dấu hiệu quá hạn. Năng lực quản trị rủi ro của VIB cũng chính là cơ sở để NHNN lựa chọn VIB là 1 trong 10 ngân hàng triển khai thí điểm mô hình quản trị rủi ro tiên tiến Basel II trong năm nay;

 

Cổ đông chiến lược của VIB, ngân hàng CBA (Commonwealth Bank of Australia) là một trong số ít ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm ở mức AA2 trên toàn cầu và là một trong 15 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới, đã góp tương đương 200 triệu USD để sở hữu 20% của VIB. CBA đã cung cấp các hỗ trợ chiến lược và sách lược để ngân hàng phát triển, trên các lĩnh vực chủ đạo như Ngân hàng bán lẻ, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin, nhân sự, quản trị doanh nghiệp và tài chính. Trong khi không ít cổ đông chiến lược nước ngoài dần rút khỏi quan hệ hợp tác chiến lược với các tổ chức tín dụng trong nước thì ngược lại, CBA vẫn mong muốn tiếp tục đầu tư vào VIB.

 

VIB là một trong những ngân hàng có lợi nhuận khiêm tốn trong số các ngân hàng hàng đầu trong mấy năm qua, hai trong số các nguyên nhân là ngân hàng đã trích lập dự phòng một cách quyết liệt theo các tiêu chuẩn quốc tế và ngân hàng tiếp tục chấp nhận lãi biên ở mức thấp hợp lý để thu hút các khách hàng tốt. Chỉ trong 3.5 năm qua VIB đã trích lập hơn 3,000 tỷ chi phí dự phòng, là ngân hàng có tỷ lệ trích lập rủi ro trên dư nợ tín dụng cao nhất trong hệ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hơn 1,700 tỷ số dư của quỹ dự phòng hiện tại, sẽ tiếp tục xử lý rủi ro và làm sạch các vấn đề nợ xấu trong thời gian sớm nhất. Sau khi đã trích lập dự phòng ở mức cao, nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng vẫn được duy trì ở mức trên 8,000 tỷ để tiếp tục phát triển kinh doanh. 

 

Chiến lược con người giúp ngân hàng thu hút được một đội ngũ lãnh đạo được nuôi dưỡng từ bên trong cũng như thu hút từ các định chế tài chính toàn cầu và từ CBA. Với văn hóa minh bạch, liêm chính và hướng đến hiệu quả cao, VIB đã thực hiện tăng lương cho hơn 50% nhân sự hàng năm, kể cả trong những năm thị trường khó khăn, song song với việc triển khai bản đồ đóng góp (contribution map) và bản đồ hiệu quả công việc (performance map) làm cơ sở để trả lương/thưởng và thúc đẩy thăng tiến cá nhân. VIB cũng là ngân hàng đi đầu trong việc xử lý các cán bộ vi phạm giá trị cốt lõi và các quy định của ngân hàng, cũng như giảm đáng kể số lượng nhân sự kém năng suất trong thời gian qua. Nhờ các động thái này, chi phí của ngân hàng được duy trì ở mức tối ưu.

 

Động thái nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Moody’s đối với Việt Nam hồi tháng 7/2014 kết hợp với nâng mức tín nhiệm đối với VIB và gia tăng triển vọng tích cực đối với một số ngân hàng Việt Nam ngày 22/9/2014 là một trong số những điểm sáng tích cực để gia tăng lòng tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh thị trường vĩ mô có một số biểu hiện tích cực. Chúng ta hãy chờ thêm những tin tức tốt lành ở phía trước./.