Tích cực phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa mùa

10:56, 27/09/2014

Những ngày vừa qua, thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển và gây hại trên lúa mùa ở Võ Nhai. Sâu bệnh xuất hiện gây hại đúng vào thời điểm trà lúa mùa trung đang trong giai đoạn trỗ bông-chắc xanh, lúa mùa muộn đang giai đoạn làm đòng. Đây thời thời kỳ có tính chất quan trọng, quyết định đến năng suất và sản lượng của cả vụ. Vì vậy,  huyện Võ Nhai đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường các biện pháp phòng trừ nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do sâu, bệnh gây ra.

 

Những trận mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa ngớt, trên khắp các cánh đồng của huyện Võ Nhai, bà con nông dân đang tích cực thăm đồng để kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây lúa. Bà Lý Thị Nhung, xóm Làng Hang, xã Lâu Thượng cho biết: 5 sào lúa của gia đình tôi đều bị nhiễm rầy, mật độ khoảng 5.000 con/m2. Cách đây 4 ngày, tôi đã phun trừ bằng thuốc Bassa50EC. Đến hôm nay, mật độ rầy đã giảm hẳn nhưng tôi vẫn tiếp tục phun bổ sung lần 2 theo đúng khuyến cáo của cán bộ khuyến nông.

 

Ông Nông Văn En, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng chia sẻ: Khoảng nửa tháng nay, cán bộ khuyến nông xã và Trạm bảo vệ thực vật huyện luôn có mặt trên cánh đồng để chỉ đạo, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh. Toàn xã có gần 200ha lúa bị nhiễm rầy với mật độ tương đối cao từ 2.500-5.000 con/m2. Ngay sau khi phát hiện, xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng trừ và phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai phương án chống dịch. Trước mắt, đối với những diện tích nhiễm rầy với mật độ cao dẫn tới cháy chòm, chúng tôi đã chỉ đạo bà con khẩn trương phun trừ bằng thuốc nồng độ cao để tiêu diệt hẳn, làm giảm nguy cơ lây lan…

 

Được biết, vụ mùa năm nay, huyện Võ Nhai gieo cấy được trên 3.200ha lúa mùa với các giống chủ yếu là: SYN6, Bio 404, Nhị ưu 838, Khang dân đột biến, Khang dân 18, Bao thai… Đầu vụ, thời tiết thuận lợi, cây lúa sinh trưởng và phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, từ giữa tháng 9, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa phùn đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Trong đó, nghiêm trọng nhất là dịch rầy nâu và rầy lưng trắng.

 

Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, toàn huyện có trên 600ha lúa mùa trung bị nhiễm rầy với mật độ trung bình khoảng 800 con/m2, nơi cao khoảng 3.000 con/m2; cá biệt, có gần 200ha bị nhiễm với mật độ cao khoảng 5.000-7.000 con/m2. Diện tích bị nhiễm rầy nặng chủ yếu tại các xã: Lâu Thượng, Phú Thượng, Thần Sa, Sảng Mộc, Tràn Xá, Dân Tiến… Rầy nâu và rầy lưng trắng đã làm 0,3ha lúa mùa trên địa bàn huyện bị cháy và mất trắng, nhiều diện tích lúa có nguy cơ bị giảm từ 10-15% năng suất. Trong khi đợt rầy này chưa chấm dứt thì từ ngày 24-9, trên một số cánh đồng thuộc các xã Lâu Thượng, Phú Thượng, La Hiên và Thị trấn Đình Cả… lại xuất hiện thêm lứa rầy mới với mật độ từ trung bình từ 750 con/m2 - 3.000 con/2. Đặc biệt, kết quả điều tra thực địa của Trạm bảo vệ thực vật huyện cho thấy trên trà lúa mùa muộn đang xuất hiện rộ bướm sâu đục thân với mật độ từ 0,2-04 con/m2. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến giữa tháng 10, mật độ rầy sẽ còn tăng cao, bướm sâu đục thân sẽ nở rộ và gây hại trên diện rộng. Nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời và hợp lý, đợt sâu bệnh này có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng xuất, sản lượng của vụ mùa.

 

Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại lúa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ra công văn chỉ đạo các ban ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương phòng trừ rầy, khoanh vùng diện tích nhiễm, phun phòng trừ bằng thuốc hóa học, không để lây lan diện rộng, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do rầy gây ra. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp & PTNN; Trạm Bảo vệ thực vật; Trạm Khuyến nông cũng cử cán bộ thường xuyên xuống cơ sở bám sát địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu đúng qui trình, chủng loại, liều lượng thuốc, tránh tình trạng phun nhầm thuốc làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa.

 

Tính đến ngày 26-9, 100% diện tích bị nhiễm rầy trên địa bàn huyện đã được nông dân phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị như: Bassa50EC; Dragoannong 585EC; APTA 300WP; DINOSIN500WG; Onecheeh 780WP… Ngoài ra, một số diện tích gần với khu vực bị nhiễm rầy cũng được bà con phun phòng. Mặt khác, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kịp thời phát hiện, xử lý việc cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng thuốc bảo vệ thực vật phục vụ bà con nông dân. Nhờ sự tích cực chủ động triển khai các biện pháp, đến nay công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa trên địa bàn huyện Võ Nhai đạt kết quả khả quan, tình hình sâu bệnh hại dần được khống chế, một số diện tích lúa bị sâu bệnh đang dần phục hồi, sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Ông Ngô Văn Phương, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang bắt đầu chín rộ, dự kiến cuối tháng 9 đầu tháng 10 sẽ sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nắng mưa xẽn kẽ cùng với độ ẩm cao sẽ là dịp để sâu hại, dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh trên lúa. Do đó, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân không được chủ quan, cần tích cực thăm đồng, báo cáo kịp thời tình hình sâu bệnh cho cấp, ngành chức năng để có hướng giải quyết, không để sâu hại, dịch bệnh lây lan thành dịch ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa.