Trăn trở một vùng quê

14:50, 29/09/2014

Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc (Định Hoá), anh Ma Duy Vụ vừa tiếp chúng tôi, vừa tranh thủ xem những lá đơn của bà con trong xã mang đến, xin chính quyền địa phương xác nhận là hộ nghèo để con em đi học được miễn, giảm học phí. Anh mộc mạc: Điềm Mặc nghèo vì sản xuất nông nghiệp cơ bản phụ thuộc vào thiên nhiên; nông dân thiếu đất canh tác; thiếu vốn đầu tư và thiếu kinh nghiệm sản xuất.

Nằm ở phía Tây - Nam huyện Định Hoá, cách trung tâm huyện 16km, có đường tỉnh lộ 264b đi qua, so với nhiều xã khác trong huyện thì Điềm Mặc là vùng quê thuận lợi hơn rất nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng Điềm Mặc bao năm nay trăn trở trước khó nghèo, loay hoay mãi vẫn chưa tìm được lối ra.

 

Theo anh Ma Duy Vụ: Khó khăn nhất là người dân chưa tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn là Phòng Nông nghiệp - PTNT và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Vào đầu mỗi vụ sản xuất, xã chỉ huy động được khoảng 50% số hộ nông dân tham gia các lớp tập huấn. Trong xã, nhiều hộ làm theo phương thức cũ, chưa tích cực chuyển đổi giống cây trồng phù hợp trên từng loại đất canh tác. Do vậy, số hộ nghèo của xã chiếm tỷ lệ cao. Đến nay, xã còn 354 hộ nghèo, chiếm 30,15%, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước 31 hộ. Số hộ nghèo giảm, nhưng số hộ cận nghèo tăng, năm 2014 có 502 hộ, chiếm 42,76%, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước 80 hộ.

 

Do từ nhiều năm trước đây, nạn chặt phá rừng bừa bãi dẫn đến mất nguồn sinh thủy, các dòng suối Đồng Lá, Bản Bắc, Bình Nguyên… qua địa bàn chỉ có nước vào mùa mưa. Nên trong sản xuất nông nghiệp, nông dân không chủ động được nước tưới, mùa vụ được, mất phụ thuộc vào thiên nhiên. Ngay như vụ lúa chiêm xuân vừa qua, nhân dân trong xã thực hiện gieo cấy được 188,5 ha, nhưng do đầu năm trời rét đậm, rét hại kéo dài, giữa vụ bị mưa đá, lốc xoáy khiến nhiều diện tích lúa, ngô và các loại cây hoa màu bị hư hỏng, nên năng suất lúa chỉ đạt 43,1 tạ/ha, sản lượng đạt 812,8 tấn; theo đó, sản lượng vụ chiêm xuân giảm hơn so với năm trước 145,9 tấn. Cùng cây lúa, cây ngô cũng bị giảm năng suất đáng kể. Trên diện tích hơn 13 ha đất trồng ngô, năm 2014 năng suất đạt 10 tạ/ha, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước 20 tạ/ha; sản lượng ngô năm 2014, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước 27 tấn. Các loại cây trồng khác như: lạc, đỗ, sắn, khoai lang cũng cho năng suất thấp hơn so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt vụ chiêm xuân đạt hơn 826 tấn, giảm 183 tấn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, với tổng dân số của xã là 4.498 nhân khẩu, thì trong 6 tháng đầu năm, bình quân lương thực đầu người đạt 30,5kg thóc/người/tháng.

 

Ngoài cây lúa, cây ngô và các loại cây hoa màu khác, những năm gần đây, nhân dân xã Điềm Mặc đã chuyển đổi được nhiều diện tích cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè. Đây là một trong những hướng mở mới trong phát triển kinh tế đối với một xã miền núi như Điềm Mặc. Đến nay, xã đã phát triển được 249,5 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh có 221,8 ha. Do mưa, nắng không thuận hòa, nên dù người trồng chè đã đầu tư nhiều công sức chăm bón, nhưng năng suất chè vẫn đạt  thấp. Theo số liệu thống kê của UBND xã, những tháng đầu năm 2014, năng suất chè của xã đạt 35 tạ/ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 5 tạ/ha. Do thời tiết không thuận lợi, cây chè cho năng suất thấp, nên các hộ không mấy mặn mà với việc đâu tư chăm bón cho cây chè. Ông Hoàng Xuân Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Năm nay, hầu hết các đồi chè của Điềm Mặc đều trong tình trạng cho năng suất thấp, người trồng chè không có dư dật, nhưng bà con vẫn thực hiện thu hái chè đúng thời vụ.

 

Chúng tôi đi men theo con đường nhỏ để đến lô chè của gia đình anh Hoàng Thanh Tự, thôn Bản Tiến. Anh Tự đang cùng vợ là chị Đỗ Thị Liễu thu hái chè bằng máy. Thấy chúng tôi, vợ chồng anh tắt máy, lau mồ hôi, bắt chuyện bằng một câu thở dài: Chán lắm, chè năm nay thu hoạch không đủ tiền trả phân bón, thuốc trừ sâu... Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Gia đình anh Tự có 1.800 m2 đất trồng chè. Từ đầu năm đến cuối tháng 9-2014, gia đình anh Tự đã thu hoạch được 7 lứa, mỗi lứa sau sao xấy được khoảng 50 kg, với giá bán 30.000 đồng/kg, bằng 1,5 triệu đồng/lứa. Chị Liễu cho biết thêm: Ngoài chè, gia đình tôi còn có hơn 2.500 m2 đất ruộng, như các năm trước đây còn có chút để dư, sang năm nay, nhà đủ ăn, không phải đi vay mượn đã là khá rồi.

 

Tôi mở bản báo cáo 6 tháng đầu năm của xã Điềm Mặc, đọc từng dòng nói về sự khó khăn của địa phương, trong đó nêu rõ: Hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã cộng lại có 856 hộ, chiếm 72,91%; trên địa bàn, tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, ma túy còn tồn tại; phần lớn diện tích lúa, hoa màu bị giảm năng suất, sản lượng; nhiều người phải dời làng đi nơi khác làm ăn… Làm thế nào để cuộc sống người dân Điềm Mặc đi lên, đó là nỗi niềm không của riêng cán bộ xã.