Ứng dụng thụ tinh nhân tạo vào cải tạo đàn trâu

07:55, 17/09/2014

Nhằm mục cao chất lượng đàn trâu của tỉnh, 2 năm qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã thực hiện thành công mô hình ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah. Kết quả là đã tạo ra đàn nghé lai Murrah có trọng lượng lớn hơn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại địa phương.

Trâu Murrha có nguồn gốc từ Ấn Độ, đây là loài trâu lấy sữa, có trọng lượng lên tới 7-8 tạ/con. Để cải tạo đàn trâu, các nhà khoa học đã sử dụng trâu đực Murrah lai với trâu cái Việt nam  tạo con lai F1 tăng khả năng cho thịt và sức cày kéo ở miền núi. Sau nhiều năm thực hiện thử nghiệm ở một số địa bàn miền núi của các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… khoảng 2-3 năm nay, việc lai tạo trâu đực Murrha với trâu cái trong tỉnh cũng đã được thực hiện theo phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ông Nguyễn Văn Trân, xóm Đông Sinh, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) rất phấn khởi khi chúng tôi trao đổi về con nghé lai Murrah của gia đình đã được sinh ra cách đây vài tháng. Ông cho hay: Nghé con lúc sinh ra đã nặng 50kg, to gấp đôi so với giống trâu thuần chủng ở địa phương. Nuôi 4 tháng, con nghé lai này đã nặng trên 1 tạ và đến nay, sau gần 9 tháng, đã nặng khoảng 2 tạ.

 

Cũng giống như ông Trân, 2 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ở xóm Đồi, xã Đông Cao (Phổ Yên) cũng có một con nghé lai Murrah được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiện nay, con nghé đã thành con trâu trưởng thành với trọng lượng đạt khoảng trên 4 tạ. Theo ông Hồng, con trâu lai Murrha rất khỏe, dễ nuôi, ít mắc các loại bệnh. Ngoài việc phục vụ sức kéo thì loại trâu này còn có thể chăn nuôi theo hướng lấy thịt vì trâu lớn rất nhanh.

 

Đây chỉ là 2 trong 500 con trâu lai Murrah trên địa bàn tỉnh được sinh ra thông qua việc thực hiện mô hình ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah của Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh. Những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ tinh trùng, được cán bộ của Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trâu mẹ khi mang thai; kỹ thuật chăm sóc nghé lai… Ông Phạm Gia Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh cho hay: Trong thời gian thực hiện mô hình, chúng tôi đã tiến hành phối giống khoảng 800 liều tinh trùng trâu giống Murrha cho các hộ dân có nái nền là trâu giống địa phương khỏe mạnh. Với kết quả thành công đạt trên 62%, chúng tôi đã hoàn thành yêu cầu đề ra. Qua theo dõi những con trâu lai Murrha cho thấy, giống trâu này rất khỏe, sức đề kháng tốt, trọng lượng lúc trưởng thành gấp đôi so với giống trâu di cóc ở địa phương,  khả năng tăng trọng nhanh, thích nghi với điều kiện tự nhiên của Thái Nguyên (trung bình một con trâu lai Murrha khi trưởng thành có trọng lượng từ 4 đến 5 tạ).

 

Qua triển khai cho thấy, mô hình này có ý nghĩa thiết thực khi góp phần tăng năng suất sản xuất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh nói riêng. Thành công nổi bật của mô hình là đã làm chủ công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thụ tinh nhân tạo cho trâu (hiện nay Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ dẫn tinh viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm thực tế), cũng như phương pháp phối giống trực tiếp có chọn lọc nhằm tăng khả năng sản xuất, nâng cao trọng lượng và chất lượng đàn trâu.

 

Những năm gần đây, khi người nông dân đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp thì để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường, chăn nuôi trâu đang được chuyển dần sang hướng lấy thịt. Theo số liệu do Sở Nông Nghiệp và PTNT cung cấp, toàn tỉnh hiện có trên 71 nghìn con trâu. Tuy nhiên số lượng và chất lượng của đàn trâu còn hạn chế, việc phát triển đàn trâu chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Nguyên nhân chính là do chăn nuôi trâu mang tính truyền thống, chăn thả tự do, việc bình tuyển chọn lọc giống chỉ được thực hiện ở một vài địa phương chứ chưa được quan tâm triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết làm giảm tầm vóc và sức sản xuất của đàn trâu, từ đó dẫn tới hiệu quả kinh tế chăn nuôi trâu chưa cao. Bởi vậy, việc thực hiện  mô hình này đã tạo bước đột phá trong cải tạo tầm vóc của đàn trâu, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi trâu lấy thịt theo hướng hàng hóa. Với kết quả đạt được, thời gian tới đây, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.