Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia liên tục tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng. Australia đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ khi Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường Australia.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, trong 7 tháng năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã đạt 3,57 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia đạt 2,39 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2013; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 1,16 tỷ USD; Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Australia 1,22 tỷ USD.
Cũng trong 7 tháng năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia các mặt hàng chính gồm dầu thô, điện thoại và các linh kiện, thuỷ sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác, hạt điều…
So với cùng kỳ năm 2013, về cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Autralia trong 7 tháng qua, dầu thô vẫn là mặt hàng xuất khẩu đứng đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,29 tỷ USD, tăng 73,3%; đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt 215,81 triệu USD, giảm 14,2%; thứ ba là mặt hàng thủy sản với kim ngạch đạt 123,07 triệu USD, tăng 38,8%. Mặt hàng sắt thép các loại, vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất với kim ngạch đạt 21,75 triệu USD, tăng hơn 205%.
Ngoài ra, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Australia tăng trưởng khá tốt như dây điện và cáp điện tăng 107,3%, kim loại thường khác và sản phẩm tăng 52%, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 50,8%, hàng dệt may tăng 48,6%, hàng hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù tăng 43%...
Về cơ cấu hàng nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Australia chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 133,7%, chất dẻo nguyên liệu tăng 98,9%, sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 93,7%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 91,3%, phế liệu sắt thép tăng 82,5%, quặng và các khoáng sản tăng 55,9%, bông các loại tăng 51,7%. Các mặt hàng này chủ yếu là đầu vào cho sản xuất trong nước./.