Thời gian qua, một số ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh đã đưa ra mức lãi suất cho vay tiêu dùng rất hấp dẫn (chỉ dưới 10%/năm) nhưng trên thực tế, với cách tính lãi theo số dư ban đầu thì số lãi mà người vay thực tế phải trả có thể lên tới gấp 2 lần. Vì thế, theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - NH, người vay cần phải đọc kỹ hợp đồng, tìm hiểu rõ phương thức tính lãi, trả gốc và các điều khoản phí...
Cách tính có lợi cho ngân hàng
Chị Nguyễn Thị Hoa là giáo viên ở huyện Phú Bình, sau khi nghe tư vấn của nhân viên NH X chị đã quyết định vay 100 triệu đồng để có đủ tiền mua mảnh đất ở gần trung tâm xã. Do chưa từng vay tiền ở NH nên những thuật ngữ của NH chị gần như không hiểu, mặc dù đã được cán bộ NH giải thích sơ qua. Điều mà chị quan tâm nhất chính là mức lãi suất thì đã được nói rõ là 0,8%/tháng (tương đương 9,6%/năm). Cảm thấy mức lãi suất hợp lý, thậm chí là có phần “rẻ” nên chị đã quyết định mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đang ở để làm thủ tục thế chấp với NH. Với phương thức vay trả góp hàng tháng, trong vòng 3 năm, trung bình mỗi tháng chị Hoa phải trả gần 3,6 triệu đồng.
Sau khi vay được hơn 2 tháng, trong câu chuyện với chị Hương hàng xóm, chị Hoa biết được, chị Hương cũng vừa vay ở NH N số tiền 100 triệu đồng và thời gian vay cũng giống mình, với lãi suất 12,5%/năm. Thoạt nghe, chị Hoa cho rằng, NH N cho vay như thế là cao, nhưng khi hỏi chi tiết thì mới biết, mỗi tháng, chị Hương chỉ phải trả cho ngân hàng 3,3 triệu đồng (ít hơn so với số tiền chị Hoa phải trả là 280 nghìn đồng). Thấy việc tính lãi của 2 ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn, chị Hoa đã nhờ người quen làm ở một NH khác giải thích hộ thì mới biết, sở dĩ có sự chênh lệch này là do cách tính lãi của 2 NH không giống nhau. Đối với NH X mặc dù lãi suất đưa ra khá hấp dẫn, chỉ là 9,6%/năm nhưng cách tính lãi theo số tiền vay ban đầu (nghĩa là mặc dù hàng tháng khách hàng đã trả một phần tiền gốc nhưng số lãi vẫn tính theo số tiền gốc là 100 triệu đồng). Còn với ngân hàng N, tuy mức lãi suất là 12,5%/năm nhưng lại tính lãi theo số tiền còn nợ (số dư) thực tế (nghĩa là khách hàng đã trả phần gốc nào thì sẽ được trừ đi phần gốc đó để không bị tính lãi). Với phương thức tính lãi và trả gốc theo hình thức trả góp này, sau 3 năm, chị Hoa phải trả cho NH X tổng số tiền xấp xỉ 129 triệu đồng, còn chị Hương chỉ phải trả 121 triệu đồng. Như vậy là trên thực tế, chị Hoa phải trả cho NH X lãi suất là 18,7%/năm, chứ không phải là 9,6%/năm.
Nhận thấy sự thiệt thòi này, chị Hoa quyết định đến NH X để trả nợ trước hạn thì được cho biết, nếu trả vào thời điểm này, chị sẽ phải trả một khoản phí trả trước (thực tế có thể coi là tiền phạt trả trước hợp đồng) là 4% tổng số tiền trả trước (lúc đó chị Hoa đã trả được hơn 7 triệu, số tiền gốc còn lại là gần 93 triệu đồng, tương đương số phí phải trả khoảng 3,8 triệu đồng). Chị Hoa cho rằng đó là điều vô lý nhưng do trong bản hợp đồng ghi rất rõ những nội dung này (lúc ký hợp đồng, chị Hoa không hề để ý đến chi tiết này) nên đành ấm ức ra về và phải tiếp tục thực hiện bản hợp đồng này.
Ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước
Theo ông Lê Quang Huy, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, cách tính lãi của NH X là không vi phạm các quy định của Bộ Tài chính và lâu nay vẫn được một số NH thương mại trên địa bàn áp dụng. Trên thực tế, lãi suất cho vay của các NH hiện đang thực hiện theo Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26-02-2010 của NH Nhà nước quy định cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, chưa có quy định trần lãi suất cho vay (trừ 5 lĩnh vực ưu tiên), mà chỉ có quy định trần lãi suất huy động ở kỳ hạn dưới 6 tháng. Bởi thế, việc đưa ra mức lãi suất và cách tính lãi suất sẽ do các NH tự thỏa thuận với khách hàng theo các sản phẩm tín dụng do NH đưa ra. Có nhiều người do không tìm hiểu kỹ thông tin nên sau khi hợp đồng đã được ký kết thì mới phát hiện có những điều không có lợi cho mình như lúc đầu vẫn nghĩ. Còn về việc thu phí trả trước, không chỉ có NH X., mà nhiều NH khác hiện nay cũng đang áp dụng. Lý do mà các NH đưa ra ở đây là khi khách hàng phá vỡ hợp đồng, sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của họ. Tuy nhiên, cũng có một số NH không thu phí trả trước này hoặc thu rất ít (chỉ một vài trăm nghìn đồng) để bù đắp một số chi phí cần thiết trong quá trình giao dịch.
Để tránh những tranh cãi không cần thiết, ông Lê Quang Huy khuyến cáo người dân và cả doanh nghiệp khi thực hiện việc vay vốn ở bất cứ NH nào đều cần có sự tìm hiểu kỹ càng, thông suốt các điều khoản ghi trong hợp đồng, chỗ nào không hiểu, cần phải hỏi cán bộ NH để được giải thích cặn kẽ. Còn về phía NHNN chi nhánh tỉnh sẽ yêu cầu các NH nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải thích các điều khoản trong hợp đồng, tránh tình trạng giải thích qua loa hoặc chỉ giải thích, tuyên truyền về những điều khoản có lợi cho NH, mà không giải thích đầy đủ những thông tin mà lẽ ra khách hàng cần phải biết.
Thị trường tín dụng ngày càng đa dạng, phong phú kèm theo nhiều ưu đãi khiến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ngày càng được tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để tránh những thiệt thòi, cũng như những xung đột không cần thiết, người vay cần cân nhắc, lựa chọn những NH có uy tín, đảm bảo quyền lợi nhiều nhất cho khách hàng. Còn về phía các NH, phải có trách nhiệm phân tích, làm rõ các điều khoản trong hợp đồng, đừng vì mục đích tăng dư nợ mà cố tình bỏ qua các thông tin này.