Xung quanh việc tranh chấp thương hiệu miền Việt Cường: Không có hoạt động "bảo kê" hay "cướp" thương hiệu (Kỳ II)

08:14, 24/09/2014

Như chúng tôi đã đề cập trong kỳ I, ngày 26-9-2012, sau khi ông Nguyễn Văn Sơn, chủ sở hữu nhãn hiệu “Việt Cường” ký vào tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp để Chi cục TCĐLCL tỉnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “miến Việt Cường Hóa Thượng) thì sau đó gần 1 năm ông Sơn lại có văn bản gửi các cơ quan chức năng cho rằng Tờ khai trên là không có giá trị pháp lý.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX miến Việt Cường: Nếu lấy nhãn hiệu “Việt Cường” để cấp cho một thương hiệu khác tôi không đồng ý. Còn các hộ dân sản xuất miến trên địa bàn xóm cùng đặt nhãn hiệu miến Việt Cường trên bao bì sản phẩm tôi không có ý kiến gì.
Ông Trần Mạnh Cường, Trưởng ban Quản lý làng nghề miến Việt Cường: Chúng tôi sẽ đi đến cùng để bảo vệ bằng được nhãn hiệu chứng nhận “miến Việt Cường Hóa Thượng” do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp. HTX Miến Việt Cường trên danh nghĩa chỉ là một gia đình, HTX được sinh ra từ làng nghề, vì thế không thể đặt lợi ích của một gia đình lên trên lợi ích của một tập thể.

 

Bà Lê Hồng Vân, Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN): Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ chỉ cho phép sử dụng tên địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Về trình tự, thủ tục và hồ sơ của Chi cục TCĐLCL đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “miến Việt Cường Hóa Thượng” là hoàn toàn đúng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật hiện hành. Nhãn hiệu “Việt Cường” và nhãn hiệu chứng nhận “miến Việt Cường Hóa Thượng” là hai nhãn hiệu hoàn toàn khác nhau, có thể song song cùng tồn tại.

  

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận dân chủ, công khai

 

Sau khi xem xét đơn của ông Sơn, Chi cục TCĐLCL đã tổ chức hội nghị gồm các bên liên quan (lãnh đạo UBND xã Hóa Thượng, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Việt Cường và ông Nguyễn Văn Sơn, chủ nhãn hiệu “Việt Cường” cũng là Phó Chủ nhiệm HTX Miến Việt Cường) để thống nhất phương án sử dụng tên địa danh “Việt Cường Hóa Thượng” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận dùng cho sản phẩm miến của nhân dân xóm Việt Cường.

 

Tại biên bản làm việc số 86/BB-TĐC ngày 4-11-2013, ông Nguyễn Văn Sơn là chủ nhãn hiệu “Việt Cường” đã nhất trí, đồng ý cho Chi cục TCĐLCL tỉnh sử dụng chữ “Việt Cường” thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Việt Cường Hóa Thượng” dùng cho sản phẩm miến. Cũng trong ngày này, ông Sơn đã ký văn bản gửi Cục Sở hữu trí tuệ, nhất trí, đồng ý cho Chi cục TCĐLCL sử dụng chữ “Việt Cường” để tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Việt Cường Hóa Thượng”. Chi cục TCĐLCL tỉnh đã gửi tờ khai đăng ký nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” đến Cục Sở hữu trí tuệ. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành 2 văn bản cho phép Chi cục TCĐLCL được sử dụng tên địa danh “Việt Cường”, “Hoá Thượng” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hoá Thượng” và giao cho Chi cục là tổ chức chứng nhận đồng thời là Chủ sở hữu nhãn hiện chứng nhận theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Ngày 15-07-2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 40869/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” số 228120 cho Chi cục TCĐLCL Thái Nguyên. Như vậy, việc Chi cục TCĐLCL Thái Nguyên đăng ký bảo hộ và đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” là hoàn toàn đúng với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật có liên quan.


Không có tình trạng “ép” để “cướp” thương hiệu

 

Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” cho Chi cục TCĐLCL tỉnh, ông Sơn và ông Ba đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và báo chí cho rằng do thiếu hiểu biết nên đã đồng ý cho Chi cục TCĐLCL sử dụng chữ “Việt Cường” để tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Việt Cường Hóa Thượng”. Việc Chi cục TCĐLCL hợp thức hóa thương hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” là “đè lên” thương hiệu “Miến Việt Cường” của HTX đã tồn tại gần 10 năm qua.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm Việt Cường cho biết: “Trong quá trình sản xuất nhỏ lẻ, những năm trước 2007, UBND huyện có định hướng để xóm thành lập HTX sản xuất miến. Cấp ủy, lãnh đạo xóm đã đứng ra vận động các hộ dân sản xuất miến tham gia vào HTX. Tuy nhiên, các hộ trình bày nhiều lý do và không tham gia. Sau một quá trình ra vận động, đến năm 2007 HTX miến Việt Cường được thành lập gồm 5 thành viên, trong đó anh Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm HTX và anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX là 2 anh em ruột. Khi dự án của Tây Ban Nha vào địa phương, xóm đã chuyển nguồn hỗ trợ 16 nghìn Euro cho HTX. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận dự án một thời gian ngắn do nội bộ Ban quản lý HTX mất đoàn kết do khâu tiếp nhận và quản lý chi tiêu không rõ ràng nên một số thành viên Ban quản lý xin ra khỏi HTX. Vì lý do đó, cấp ủy, lãnh đạo xóm đã họp và thống nhất để HTX hoạt động độc lập và phát triển song song cùng làng nghề miến Việt Cường. Hiện, HTX chỉ còn các thành viên trong gia đình nhà ông Sơn và ông Ba. Nghe tên HTX thì lớn, nhưng hoạt động chỉ trong phạm vi một gia đình. Quy mô sản xuất của HTX nhỏ, không bằng một số hộ sản xuất trong xóm, vì thế nhiều năm qua HTX thu mua miến của bà con trong xóm đóng gói lấy thương hiệu miến Việt Cường của HTX để bán ra thị trường. Trong suốt quá trình hoạt động, HTX miến Việt Cường không đóng góp được gì cho bà con trong xóm và Làng nghề miến Việt Cường. Trong khi đó, cả xóm Việt Cường với hàng chục hộ sản xuất miến từ khi hình thành nghề làm miến đến nay vẫn sử dụng tên địa danh để đặt cho sản phẩm của mình. Việc Chi cục TCĐLCL triển khai Dự án, tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hoá Thượng” là đúng quy định của pháp luật, hợp lòng dân.

 

Quan sát tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên như: Tôn Mùi, Minh Cầu và một số chợ đầu mối, chúng tôi thấy bên cạnh sản phẩm miến của HTX Miến Việt Cường, các sản phẩm miến của nhân dân xóm Việt Cường cũng được đóng bao bì ghi rõ tên sản phẩm, sản xuất tại xóm Việt Cường (chỉ khác mỗi tên cơ sở sản xuất). Như vậy, có thể thấy cùng với sản phẩm của HTX miến Việt Cường thì sản phẩm miến dong của các hộ sản xuất trên địa bàn xóm Việt Cường cũng song song tồn tại nhiều năm qua đúng như khẳng định của ông Đỗ Văn Đạt.

 

Về vấn đề này ông Lê Vĩnh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh cho rằng: “Nhãn hiệu “Việt Cường” là nhãn hiệu do ông Nguyễn Văn Sơn là chủ Giấy chứng nhận, chứ không phải HTX Miến Việt Cường là chủ Giấy chứng nhận. Vì vậy, việc ông Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm HTX miến Việt Cường đề nghị Sở KH&CN hủy bỏ nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” là không có căn cứ pháp lý. Người được cấp và là chủ sở hữu nhãn hiệu “Việt Cường” là ông Nguyễn Văn Sơn chứ không phải là HTX Miến Việt Cường. Việc sang nhượng nhãn hiệu giữa ông Nguyễn Văn Sơn và HTX chưa được sự xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ) theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, các giao dịch liên quan đến nhãn hiệu “Việt Cường” do các cấp chính quyền và cơ quan chức năng (Chi cục TCĐLCL) làm việc với ông Nguyễn Văn Sơn là đúng theo quy định của pháp luật và nhãn hiệu “Việt Cường” không phải là tài sản của HTX Miến Việt Cường. Việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” của Chi cục là nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và phát triển kinh tế của toàn thể nhân dân sản xuất miến tại xóm Việt Cường và đã được ông Nguyễn Văn Sơn là chủ Giấy chứng nhận đồng ý. Chúng tôi có đầy đủ căn cứ pháp lý để khẳng định rằng việc làm của Chi cục TCĐLCL đúng quy định của pháp luật, không hề có những hoạt động "bảo kê" hay "cướp" thương hiệu như một số bài báo đã nêu.