Ngày 12-9 vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) tỉnh đã phối hợp với Làng nghề miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) tổ chức lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” cho làng nghề. Xung quanh việc Chi cục TCĐLCL làm thủ tục để tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận này dùng cho sản phẩm miến sản xuất tại xóm Việt Cường có ý kiến cho rằng Chi cục đã “bảo kê”,“cướp” đi thương hiệu của HTX miến Việt Cường. Vậy có hay không việc “cướp” thương hiệu của HTX miến Việt Cường?
Lịch sử làng miến
Theo những người cao tuổi ở Việt Cường, thì xóm được hình thành từ những năm 1950. Cách đây khoảng 60 năm, người dân trong xóm đã sát bột từ củ dong giềng làm ra sợi miến. Cụ tổ của làng nghề là ông Lưu Quang Hu. Lúc ấy làm miến chỉ là nghề phụ nên các hộ dân chỉ tập trung sản xuất vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng so với thu nhập từ cây lúa thì cao gấp nhiều lần. Do diện tích canh tác nông nghiệp của các hộ trong xóm rất ít (trung bình mỗi khẩu được 1 sào Bắc bộ), nếu chỉ trông vào nông nghiệp kinh tế rất khó khăn, vì thế, nhiều hộ dân đã chuyển sang làm miến. Mặc dù chỉ là sản xuất thủ công, nhưng miến làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nguyên liệu trồng tại địa phương không đủ, người làm miền đã đặt hàng từ các vùng lân cận về để làm, dần dần nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất miến quanh năm.
Hiện, cả xóm có 118 hộ thì 35 hộ sản xuất miến quanh năm, số còn lại sản xuất theo mùa vụ. Trung bình cả làng miến Việt Cường hiện nay sản xuất được khoảng 500-600 tấn miến/1 năm, tiêu thụ từ 800 đến 1.000 tấn bột dong mua từ các tỉnh phía Bắc. Tất cả các hộ dân sản xuất miến tại xóm Việt Cường đều sử dụng tên xóm để ghi trên bao bì cho sản phẩm của mình và được người tiêu dùng biết đến trong quá trình giao dịch thương mại. Từ làm miến, đời sống của nhân dân trong xóm được nâng lên rõ rệt. Ngoài 250-300 lao động của địa phương có việc làm ổn định, nghề làm miến còn giải quyết lao động nông nhàn cho khoảng 40-50 người thuộc các vùng lân cận. Từ làm miến, nhiều nhà đã mua được ô tô, xe máy, làm nhà 2, 3 tầng, bà con đã đóng góp tiền, ngày công xây dựng được 3km đường nội xóm. Việt Cường trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa của huyện Đồng Hỷ.
Quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận
Tuy nghề làm miến ở xóm Việt Cường phát triển, nhưng sản xuất vẫn theo phương thức thủ công, truyền thống, sản phẩm chưa được đăng ký thương hiệu cũng như kiểm định về chất lượng. Là cơ quan quản lý Nhà nước về TCĐLCL, Chi cục TCĐLCL tỉnh đã xây dựng Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” dùng cho sản phẩm miến sản xuất tại xóm Việt Cường (gọi tắt là Dự án). Mục tiêu của Dự án là: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” dùng cho sản phẩm miến sản xuất tại xóm Việt Cường, nhằm: Nâng cao giá trị kinh tế, uy tín, danh tiếng và thị phần tiêu thụ cho sản phẩm miến mang nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”. Đảm bảo sản phẩm miến sản xuất tại xóm Việt Cường chỉ được gắn nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Khi Chi cục TCĐLCL đặt vấn đề xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm miến của làng nghề đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân hồ hởi phấn khởi đón nhận. Bởi xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận sẽ góp phần nâng cao uy tín, thị phần tiêu thụ, giá trị kinh tế của sản phẩm. Quá trình Chi cục TCĐLCL xây dựng Dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo đúng các quy định của pháp luật. Cụ thể đã được Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 474/QĐ-BKHCN ngày 23-3-2012 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 23-4-2013.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 9-9-2005, ông Nguyễn Văn Sơn, một người dân thuộc xóm Việt Cường đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Việt Cường” là tên địa danh của xóm Việt Cường tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN và đã được Cục cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 85608 (Cấp lại lần thứ 01 theo Quyết định cấp lại số 565/QĐ-SHTT, ngày 27-3-2012). Để thực hiện đúng các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân sản xuất miến tại xóm Việt Cường (nhân dân xóm Việt Cường phải được sử dụng tên địa danh của xóm để đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm miến của mình), cũng như bảo đảm quyền lợi của ông Nguyễn Văn Sơn, Chi cục TCĐLCL đã làm việc với ông Sơn (chủ Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Việt Cường”) và ông Nguyễn Văn Ba (là em trai ông Sơn và là Chủ nhiệm HTX Miến Việt Cường). Buổi làm việc đều có đại diện UBND xã, chi bộ, trưởng xóm tham dự. Sau khi bàn bạc, thống nhất, ngày 26-9-2012, ông Nguyễn Văn Sơn đã ký tờ khai chấm dứt/huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp để Chi cục TCĐLCL tỉnh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” (có xác nhận của ông Nguyễn Văn Ba - Chủ nhiệm và đóng dấu của HTX Miến Việt Cường). Được chủ sở hữu nhãn hiệu “Việt Cường” là ông Nguyễn Văn Sơn đồng ý bằng văn bản như đã nêu trên, Chi cục TCĐLCL tỉnh đã làm các thủ tục tiếp theo để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).
Tuy nhiên, gần 1 năm sau, ngày 19-8-2013, ông Nguyễn Văn Sơn lại có Văn bản số 01/VC gửi UBND tỉnh và Sở KH&CN cho rằng Tờ khai chấm dứt/huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp gửi Cục SHTT ngày 26-9-2012 không có giá trị pháp lý, nhãn hiệu “Việt Cường” vẫn được ông Sơn và gia đình sử dụng thường xuyên, liên tục từ trước khi nôp đơn đăng ký nhãn hiệu đến nay…
Bài và ảnh:
Ông Trần Văn Ba, Bí thư Chi bộ xóm Việt Cường: Xóm Việt Cường có nghề sản xuất miến từ lâu đời. Từ xưa đến nay, bà con nhân dân vẫn sản xuất miến và lấy tên xóm “Việt Cường” làm thương hiệu cho sản phẩm miến của mình. Tuy nhiên, do chưa nắm được các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, nên xóm chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang tên địa danh “Việt Cường” của xóm để được bảo hộ theo quy định của pháp luật. |
Ông Đặng Quang Tuyến, xóm Việt Cường: Là một trong những hộ sản xuất miến, tôi rất vui mừng khi Chi cục TCĐLCL tỉnh đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “miến Việt Cường Hóa Thượng”. Đây là việc làm nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và phát triển kinh tế của toàn thể nhân dân sản xuất miến trong xóm. |
(Còn nữa)