Bài 1: Quy hoạch và đầu tư hạ tầng

09:11, 28/10/2014

Hiện nay Thái Nguyên đang có 6 khu công nghiệp (KCN) tập trung và 32 cụm công nghiệp (CCN) phân bố đều khắp ở các huyện, thành, thị. Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá của tỉnh, mới có 4 KCN và 19 CCN đi vào hoạt động, trong đó có 2 KCN và khoảng 10 CNN hoạt động hiệu quả. Xét trên nhiều khía cạnh, từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng đến thu hút đầu tư, sử dụng đất, môi trường, lao động, nộp ngân sách... trong các khu, cụm CN của tỉnh đều có những tồn tại, hạn chế. Như vậy, có thể khẳng định vấn đề quy hoạch phát triển các khu, cụm CN trên địa bàn vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Quy hoạch và đầu tư hạ tầng là những bước khởi đầu cực kỳ quan trọng đối với phát triển các KCN, CCN. Thực tế cho thấy, bên cạnh một số khu, cụm CN được quy hoạch và đầu tư hạ tầng bài bản, đang tạo ra sức hút đầu tư rất mạnh mẽ thì vẫn còn tồn tại không ít khu vực quy hoạch thiếu hợp lý, ít doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, dẫn đến tình trạng "treo" rất lâu mà không thực hiện được.

 

Ông Nghiêm Xuân Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Tôi đề nghị tỉnh nên xem xét cho phép thành lập Trung tâm phát triển CCN trực thuộc Sở Công Thương để thực hiện nhiệm vụ quản lý và tham gia đầu tư, xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN.

 

Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp Việt Cường: Đơn vị có thực hiện một dự án đầu tư thứ cấp tại CCN Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), nhưng gặp rất nhiều khó khăn bởi ở đây các hạng mục quan trọng như đường, điện, mặt bằng, tái định cư... đều chưa có.

 

Có hay không quy hoạch thiếu khả thi?

 

Phải khẳng định là có, mà có không ít. Theo ghi nhận của Ban Quản lý các KCN tỉnh và Sở Công Thương (hai đơn vị được giao quản l‎y Nhà nước về KCN và CCN) thì số lượng các khu, cụm CN quy hoạch chưa sát với thực tế có tới cả chục vị trí. Xin nêu ra đây một vài dẫn chứng cụ thể.

 

Trong danh sách quy hoạch các KCN tập trung của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 có KCN Tây Phổ Yên, quy mô 200ha. Tuy nhiên, sau đó một thời gian chúng ta mới nhận ra rằng lợi thế so sánh của KCN này thấp nhất trong các KCN còn lại của tỉnh. Phân tích của Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy: Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của KCN này không thuận lợi do nằm toàn bộ ở các xã miền núi của huyện Phổ Yên, cách khá xa với Quốc lộ 3 cũ và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông, điện, nước ngoài hàng rào KCN sẽ khó được cung cấp đầy đủ bởi xa trung tâm. Chỉ những khó khăn này thôi cũng đủ khiến một KCN tập trung không có cơ hội phát triển. Nếu cứ triển khai thực hiện thì khả năng thu hút đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào KCN là rất thấp, nếu không muốn nói là không thể.

 

Đối với các CCN, phần lớn được xem là có quy hoạch hợp lý, nhưng còn một số vẫn mắc "lỗi vị trí". Tức là chọn địa điểm quy hoạch CCN chưa sát với thực tế. Có thể kể tên các trường hợp như thế: CCN Kim Sơn, Trung Hội, Sơn Phú (Định Hóa); Quang Sơn, Đại Khai, Nam Hòa, Quang Trung - Chí Son (Đồng Hỷ); Bá Xuyên (T.X Sông Công)... Ông Nghiêm Xuân Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, những CCN này đều có vị trí tại các địa bàn kinh tế khó khăn, không thuận lợi về giao thông, cấp điện, cấp nước, rất khó cho thu hút đầu tư. Ngoài ra, một số CCN quy hoạch cũng chưa tuân thủ quy định về quy mô, vượt so với diện tích cho phép từ 50 đến 70ha. Mặt khác, có CCN lại dựa trên cơ sở gom một số đơn vị đã có sẵn để quy hoạch, nên tính định hướng không cao...

 

Được biết, cũng bởi những lý do này mà Đồng Hỷ, một huyện có tới 5 CCN được quy hoạch, mới đây đã phải đề nghị xin rút ra khỏi danh sách quy hoạch CCN của tỉnh 2 trường hợp là: CCN Nam Hòa, xã Nam Hòa, diện tích 35,5ha và CCN Quang Sơn, xã Quang Sơn diện tích 75ha. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị xin rút ra khỏi chủ trương đầu tư của tỉnh 2 CCN khác là: CCN Quang Trung - Chí Son, xã Nam Hòa và CCN Quang Sơn 2, xã Quang Sơn. Giải thích về nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Văn Thủy cho hay: CCN Nam Hòa được quy hoạch là dựa trên nhu cầu xây dựng cơ sở luyện kim của Công ty CP Luyện Kim đen và HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công. Tuy nhiên, sau khi quy hoạch, hai đơn vị này cho rằng vị trí không thích hợp nên đã chuyển địa điểm đầu tư. Bởi vậy, từ mấy năm nay CCN Nam Hòa bỏ không và trở thành CCN có quy hoạch "treo".

 

Không dễ có nhà đầu tư hạ tầng

 

Từ khi xuất hiện các khu, cụm CN trên địa bàn đến nay, vấn đề tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng là cực kỳ nan giải. Ngoài một số khu, cụm CN ở vị trí thuận lợi thì khả năng đầu tư hạ tầng rất tốt, còn lại đều gặp khó khăn, nhất là đối với các CCN. Có những CCN sau quy hoạch nhiều năm mà không có một nhà đầu tư hạ tầng nào đoái hoài. Lại có không ít nơi sau quy hoạch và công bố chính sách mời gọi đầu tư thì ồ ạt doanh nghiệp đăng ký, song chủ yếu là "đánh trống ghi tên" chứ không thấy triển khai. Cũng có trường hợp bỏ vốn đầu tư hạ tầng, nhưng hoặc là triển khai quá chậm hoặc là xây dựng xong không hút được nhà đầu tư thứ cấp nào. Như vậy, nhiều CCN đã phải bỏ trống đất quy hoạch hoặc triển khai theo dạng "xôi đỗ", manh mún vì nhà đầu tư thứ cấp chính là nhà đầu tư hạ tầng và thực tế là các nhà đầu tư chỉ xây dựng hạ tầng cho phần diện tích thực hiện dự án của đơn vị mình.

 

Hiện nay, trong tổng số 32 CCN của tỉnh mới có 11 CCN có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó 6 CCN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng là: CCN An Khánh 1 (Đại Từ), CCN số 2 (T.P Thái Nguyên), CCN Kha Sơn (Phú Bình), CCN Trúc Mai (Võ Nhai), CCN số 3 cảng Đa Phúc (Phổ Yên) và CNN Đu - Động Đạt (Phú Lương). Lý giải tại sao có nhiều đơn vị đăng ký nhưng lại không đầu tư, ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) cho rằng: Một là do tình hình kinh tế khó khăn, năng lực tài chính các nhà đầu tư hạn chế. Hai là bởi thấy Nhà nước có cơ chế hỗ trợ (6 tỷ đồng/CCN) đối với nhà đầu tư hạ tầng nên nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng sau không có đủ vốn, Nhà nước lại chỉ hỗ trợ khi đã hoàn thành hạ tầng, nên không ít đơn vị bỏ giữa chừng. Theo thống kê của Sở Công Thương thì hiện đã có một số nhà đầu tư hạ tầng xin trả lại dự án. Điển hình là HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công trả lại 4 dự án hạ tầng gồm: CCN Sơn Cẩm, Khuynh Thạch, Nam Hòa và Phú Lạc; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thăng Long trả CCN số 1 - T.P Thái Nguyên. Một số chủ đầu tư khác có năng lực yếu cũng đang bị đề nghị trả lại là: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Long đầu tư CCN Quang Sơn; Công ty CP Gang thép Gia Sàng với CCN Đại Khai; Công ty CP Sản xuất Gang Hoa Trung với CCN Trúc Mai.

 

Một số giải pháp, đề xuất

 

Để giải quyết vấn đề này, một số phương án, giải pháp đã được tỉnh triển khai, ví dụ như: Đối với KCN Tây Phổ Yên, tỉnh ta đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, đưa KCN này ra khỏi danh mục các KCN trên địa bàn để bổ sung vào đó là quy hoạch mới KCN Yên Bình I với diện tích 200ha và KCN Yên Bình II, khoảng 200ha. Thực tế, sự điều chỉnh đó đã mang lại kết quả khi hai KCN này ngay lập tức thu hút được các dự án không lồ của Tập đoàn Samsung. Hay như với KCN Lương Sơn (T.P Thái Nguyên), diện tích 150ha, khi nhận thấy khó có khả năng phát huy hiệu quả, tỉnh cũng trình Chính phủ đưa ra khỏi danh mục các KCN trên địa bàn. Mặt khác, thấy KCN Sông Công I hoạt động chưa hiệu quả, tỉnh đã đề nghị điều chỉnh diện tích từ 320ha xuống còn 195ha. Nhận thấy một phần diện tích đất tại các KCN có lợi thế so sánh thấp (mật độ dân cư cao, địa hình không thuận lợi, khó khăn trong giải phóng mặt bằng...), tỉnh ta đã trình và được phép điều chỉnh giảm diện tích các KCN đó, dành nguồn lực cho các KCN lợi thế hơn.

 

Với các CCN cũng vậy, ngoài đề nghị rút tên một số ra khỏi danh sách quy hoạch, các ngành, địa phương cũng đang đề nghị tỉnh quy hoạch và bổ sung mới các CCN tiềm năng hơn. Cụ thể là đề nghị mở rộng CCN Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) từ quy mô gần 30ha lên trên 78ha vì CCN này có khả năng phát triển tốt; mở rộng CCN Sơn Cẩm 1 (Phú Lương) từ 25ha lên 75ha vì đã có thêm nhà đầu tư mới, quy mô xây dựng lớn. Ngoài ra, cũng trình bổ sung thêm các CCN mới như: CCN Phú Lạc 2 (Đại Từ), CCN Nam Tiến 1, 2 (Phổ Yên), CCN số 5 (T.P Thái Nguyên).

 

Về quy hoạch và đầu tư hạ tầng các CCN, một số chuyên gia đã đề xuất: Cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch, nhất là quy hoạch các CCN, kiên quyết đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các CCN chậm triển khai, kém hiệu quả. Khi thành lập các CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, năng lực của chủ đầu tư hạ tầng. Cần thiết phải tiến hành phân vùng các cụm ngành công nghiệp để xác định CCN "hạt nhân", CCN hỗ trợ, quy mô tối thiểu cho từng loại CCN, phân khu chức năng và hợp lý hóa cơ cấu sản xuất nội bộ trong CCN; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng được hưởng vốn hỗ trợ của Nhà nước.