Bài 2: Thu hút đầu tư và sử dụng đất

09:02, 29/10/2014

Không có khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nào sau khi quy hoạch lại không muốn nhanh chóng thu hút và lấp đầy dự án. Nhưng hiện tại, ngoài sức hút đầu tư rất mạnh của một số KCN được quy hoạch mới do tác động bởi Tập đoàn Samsung, các khu, CCN khác trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ các dự án đầu tư không cao, kéo theo hiệu quả sử dụng đất trong các khu, CCN hạn chế.

Thu hút đầu tư - chưa hết khó

 

Thu hút đầu tư đối với các KCN dường như thuận lợi hơn so với CCN, bởi 4/6 KCN của tỉnh đã có nhà đầu tư hạ tầng, sẵn sàng có quỹ đất sạch để mời gọi doanh nghiệp. Hơn nữa, tỉnh đang "trải thảm đỏ" với các cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án FDI có vốn đăng ký lớn. 2 trong 6 KCN đang có kết quả thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất hiện nay chính là Yên Bình 1 và Điềm Thụy. Thu hút đầu tư tại 4 KCN còn lại là Sông Công I, Sông Công II, Nam Phổ Yên và Quyết Thắng cũng được xem là có nhiều triển vọng bởi cơ bản các KCN này đều được quy hoạch trên cơ sở có những lợi thế so sánh tốt. Tính đến nay, đã có 117 dự án đầu tư vào các KCN với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD và khoảng 11.000 tỷ đồng; có 44 dự án đi vào hoạt động ổn định; dự kiến sẽ có thêm 80 dự án khác khởi công và hoàn thành trong năm 2015... Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy dự án cũng mới chỉ đạt trên 30%.

 

Các CCN lại có chiều hướng khó khăn hơn rất nhiều. Trong tổng số 32 CCN trên địa bàn tỉnh, hiện mới có 19 CCN hoạt động và chỉ thu hút được khoảng 60 dự án đầu tư với vốn đăng ký khá khiêm tốn, khoảng 9.900 tỷ đồng. Tại danh mục tổng hợp tình hình đầu tư vào các CCN do Sở Công Thương xây dựng, chúng tôi nhận thấy có nhiều CCN chưa thu hút được dự án nào, điển hình như: CCN Bá Xuyên (Sông Công), CCN Đại Khai, Nam Hòa (Đồng Hỷ), CCN số 2 Cảng Đa Phúc (Phổ Yên). Không ít CCN chỉ có 1 đến 2 dự án đăng ký đầu tư, như: CCN Vân Thượng (Phổ Yên) 1 dự án, CCN Phú Lạc 1 (Đại Từ) 2 dự án, CCN Điềm Thụy (Phú Bình) 2 dự án. Số CCN có từ 6 đến 7 dự án là rất ít. Điều đáng nói là nhiều dự án đăng ký nhưng vẫn chỉ trên giấy tờ chứ chưa triển khai đầu tư cụ thể. Xin nêu một vài dẫn chứng tại 2 CCN ở Phú Lương.

 

Là huyện được quy hoạch các CCN từ rất sớm, nhưng phải chật vật mãi Phú Lương mới thu hút được một vài nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Bình Công, Phó Chủ tịch UBND huyện thì các dự án thứ cấp cũng chưa được triển khai hiệu quả và đúng tiến độ cam kết. Huyện rất tích cực tổ chức xúc tiến, mời gọi đầu tư nhưng kết quả đạt được chưa cao. Tại CCN Sơn Cẩm, hiện có 5 nhà đầu tư đăng ký thực hiện, trong đó Công ty TNHH Kim khí Gia Sàng đầu tư Nhà máy luyện than cốc từ năm 2010, hoạt động đến năm 2012 thì dừng; Doanh nghiệp tư nhân Thắng Ngân đầu tư Xưởng cơ khí và sửa chữa ô tô hiện vẫn đang xây trụ sở; Doanh nghiệp Phú Đạt đầu tư Nhà máy gạch tuynel và kết cấu thép nhưng không có khả năng đầu tư, hiện đã chuyển giao cho nhà đầu tư khác; Công ty CP Công nghệ môi trường đầu tư Tổ hợp xử lý chất thải công nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng không nung hiện vẫn chưa tiến hành các bước giải phóng mặt bằng... Còn tại CCN Đu - Động Đạt, dù từ năm 2010 đã có nhà đầu tư hạ tầng là HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, song đến nay đơn vị này vẫn đang trong quá trình... xử lý mặt bằng. Bởi vậy, 2 dự án đăng ký đầu tư vào CCN này là Nhà máy luyện cốc Thịnh Châu và Xưởng chế biến gỗ ngay từ đầu nhưng chưa thể triển khai.

 

Vẫn còn lãng phí sử dụng đất

 

Đương nhiên việc chưa có nhiều dự án đầu tư, để chậm tiến độ đầu tư hoặc đầu tư không hiệu quả tại một số khu, CCN sẽ khiến hiệu suất sử dụng đất thấp, dẫn đến tình trạng lãng phí. Hiện tại, trong 6 KCN của tỉnh vẫn còn 2 KCN là Sông Công II (diện tích 250ha) và Quyết Thắng (diện tích 105ha) chưa có chủ đầu tư hạ tầng, nên cơ bản mới quy hoạch để đấy. Còn đối với các CCN, tổng diện tích quy hoạch đến năm 2020 của 32 CCN là 1.218ha, nhưng hiện mới đăng ký sử dụng được 207ha. Thực tế thì mới có 34 dự án nằm trong các CCN chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, một lượng lớn đất đã quy hoạch để sử dụng vào mục đích phát triển công nghiệp đang bỏ trống, nhiều diện tích chưa được kiểm đếm để tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Hiện đang có 13 CCN đã quy hoạch nhưng chưa triển khai, dẫn đến  thực trạng nhiều hộ dân đang sống trong vùng quy hoạch phải khóc dở, mếu dở vì không được chia tách đất ở cho con cái, không được xây dựng, sửa sang nhà cửa ổn định cuộc sống.

 

Ông Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND T.X Sông Công chia sẻ: KCN Sông Công II phê duyệt quy hoạch chi tiết đã lâu nhưng chưa tiến hành giải phóng mặt bằng khiến hàng chục hộ dân trong diện ảnh hưởng bức xúc phản ánh liên tục lên cấp chính quyền sở tại. Còn Phó Chủ tịch huyện Đồng Hỷ, ông Trần Quyết Thắng thì thẳng thắn: Hằng năm huyện đều đưa các CCN vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, song nhiều CCN không triển khai, thế là huyện bị ý kiến là đề ra mà không làm. Nhưng quả thực, muốn triển khai được phải trông chờ vào các nhà đầu tư. Ngay như CCN Nam Hòa, bị xem là quy hoạch "treo" từ lâu, người dân bức xúc lắm, nhưng huyện cũng chưa biết phải xử lý thế nào ngoài việc đề xuất xin đưa ra khỏi danh sách.

 

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường thì diện tích đất đã thu hồi, giao cho các nhà đầu tư trong KCN là trên 327ha, nhưng diện tích đưa vào sử dụng mới đạt trên 269ha. Với CCN, diện tích đã thu hồi, bàn giao là hơn 33ha, nhưng diện tích đưa vào sử dụng cũng chỉ đạt gần 21ha. Trong đó, cá biệt có CCN Phú Lạc 1, dù đã giao tới 17ha đất nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đưa được 1ha đất nào vào sử dụng. Đấy là chưa nói đến thực trạng các dự án đầu tư vào khu, cụm CN triển khai chậm tiến độ hoặc bỏ giữa chừng; có dự án xin cấp đất tới hàng chục héc ta nhưng chỉ sử dụng một phần nhỏ, còn lại để đất trống. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Lệ Trạch. Hai đơn vị này triển khai đầu tư tại KCN Nam Phổ Yên nhưng do triển khai quá chậm, phải tạm dừng dự án.

 

Những ý kiến đề xuất

 

Theo quy định của Nhà nước thì sau một năm, tỷ lệ lấp đầy dự án tại các khu, CCN phải đạt khoảng 30%. Nếu theo quy định này thì cơ bản các KCN của chúng ta chưa đạt yêu cầu, ngoại trừ hai trường hợp điển hình là KCN Yên Bình I và KCN Điềm Thụy. Theo phân tích của các chuyên gia, nếu thu hút đầu tư và chất lượng đầu tư không cao thì chắc chắn hiệu quả sử dụng đất sẽ thấp. Và nếu quy hoạch, đầu tư hạ tầng không bài bản, hợp lý thì việc thu hút đầu tư cũng rất khó khăn. Do vậy, việc triển khai đồng bộ các bước từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng đến cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp và hiệu quả sẽ là cánh cửa rộng mở giúp cho hoạt động đầu tư phát triển của các khu, CCN được dễ dàng. Trong đó, bố trí thêm ngân sách hàng năm của tỉnh để đầu tư hạ tầng bên ngoài hàng rào khu, CCN sẽ là đòn bẩy hút các dự án. Mặt khác, cũng phải thấy rằng năng lực và trình độ đầu tư của các doanh nghiệp trong khu, CCN còn nhiều hạn chế khiến hiệu quả sử dụng đất không cao. Đánh giá chuyên môn cho thấy, chủ yếu các nhà đầu tư là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô đầu tư không lớn, năng lực tài chính, tổ chức điều hành và trình độ công nghệ còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, trong quá trình thu hút đầu tư cũng nên xem xét, chọn lọc kỹ lưỡng, tránh tình trạng chỉ đảm bảo phát triển về số lượng...

 

(Còn nữa)