Vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là môi trường trong sản xuất công nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) luôn phải được xem trọng. Dù tốc độ phát triển công nghiệp có nhanh đến mấy và được xem trọng bao nhiêu thì các điều kiện về bảo vệ môi trường cũng không được xem nhẹ và để tụt lại phía sau. Đó là điều hiển nhiên, nhưng thực tế vấn đề môi trường trong các khu, CCN của tỉnh vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Để kịp thời xử lý ô nhiễm môi trường, Ngành đã tham mưu cho tỉnh thiết lập các điểm quan trắc môi trường nước, không khí tự động. Ngoài ra, chúng tôi đang siết chặt hơn nữa chế độ doanh nghiệp tự báo cáo kết quả quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất của mình theo định kỳ. |
Ông Đinh Huy Chiến, Chủ nhiệm HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công: Đơn vị có đầu tư xây dựng Nhà máy luyện Fero mangan tại KCN Sông Công I. Nhà máy đã được đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý khí bụi nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, gây tác động đến môi trường xung quanh. Hiện nay, Nhà máy đang dừng hoạt động do tác động xấu từ thị trường. |
Vẫn còn trường hợp xem nhẹ môi trường
KCN Sông Công I là địa điểm được quy hoạch sớm nhất trong 6 KCN tập trung của tỉnh, nhưng hiện lại đang là KCN dẫn đầu về tình trạng ô nhiễm môi trường. Về nước thải, KCN này đã xây dựng hệ thống xử lý tập trung với công suất 2.000m3/ngày, nhưng hoạt động không hiệu quả. Mặc dù theo thiết kế, hệ thống chỉ hoạt động theo nguyên lý sinh học để xử lý các yếu tố hữu cơ, nhưng vẫn phải tiếp nhận các nguồn nước thải chứa các yếu tố hóa học như kim loại, axít. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường thì nước thải trong KCN này thường xuyên có các chỉ số kim loại, axít vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Lần quan trắc gần đây nhất là tháng 10-2013, hàm lượng cidimi tại KCN vượt tới 67,9 lần, sắt vượt 1,97 lần, mangan vượt 83,9 lần, kẽm vượt 151 lần... Như vậy, nguồn nước thải chung của KCN có nồng độ ô nhiễm rất cao. Đối với khí thải, KCN này cũng đang là tâm điểm về ô nhiễm với các điển hình như: Nhà máy Kẽm điện phân, Công ty CP thép Toàn Thắng, Nhà máy luyện Fero mangan... Mặc dù các đơn vị này đã lắp đặt hệ thống xử lý khói, bụi, nhưng việc vận hành xử lý không đầy đủ, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Nhiều năm nay, đã không ít lần người dân tụ tập ở cổng Nhà máy Kẽm điện phân để phản ứng tình trạng phát sinh khí axít làm chết cây cối và ô nhiễm môi trường xung quanh do đơn vị này gây ra.
Đối với CCN, chắc ít có nơi nào trong tỉnh vấn đề ô nhiễm môi trường được nhắc nhiều như CCN Trúc Mai (Võ Nhai). Năm 2013, đông đảo người dân địa phương đã bức xúc phản ánh tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty CP Sản xuất gang Hoa Trung tại CCN Trúc Mai. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đến kiểm tra và tham mưu cho tỉnh xử phạt hành chính đối với Công ty này ở mức 290 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng để khắc phục, cải tạo hệ thống xử lý khí thải.
Một thực tế đáng quan tâm hiện nay là tình hình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các khu, CCN và với các dự án đầu tư bên trong đó vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh thì hiện mới có 88% các doanh nghiệp đầu tư tại KCN khi đi vào hoạt động đã lập báo cáo ĐTM, bản cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường. Trong đó, KCN Sông Công I, trong số 39 đơn vị đang triển khai đầu tư và hoạt động mới có 28 đơn vị được phê duyệt báo cáo ĐTM. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, trong 19 CCN đi vào hoạt động mới chỉ có 3 CCN được phê duyệt báo cáo ĐTM, 2 CCN đang trong quá trình lập, số còn lại đều chưa thực hiện. Còn đối với 64 dự án đầu tư vào các CCN, phần lớn đều chưa thực hiện đánh giá ĐTM. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Do hoạt động sản xuất khó khăn, nhiều đơn vị trong khu, cụm CN còn chưa thực hiện các thủ tục quan trọng khác như quan trắc theo cam kết, đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, xin phép khai thác nước ngầm... chứ chưa nói đến lập báo cáo ĐTM.
Ngoài ra, về xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn trong các khu, CCN cũng còn khá nan giải. Ngoài hai KCN Sông Công I và Yên Bình I, các KCN còn lại và toàn bộ các CCN đang hoạt động đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc xử lý khí thải phát sinh trong các khu, CCN cũng chưa ổn, chủ yếu gây ô nhiễm là do hoạt động của các đơn vị luyện kim. Theo ước tính, mỗi ngày tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các KCN là khoảng 1.000 tấn, nhưng các đơn vị sản xuất đều tự thu gom và không làm rõ được các biện pháp xử lý hiệu quả. Thực tế, cơ quan chức năng của tỉnh đã từng phát hiện tình trạng bán chất thải, đổ thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường, cụ thể là tại bãi rác Đồng Hầm (Phổ Yên). Điều đáng nói là tất cả các CCN đều không lập quy hoạch điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn.
Nâng cao trách nhiệm quản lý
Từ năm 2008 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt danh sách các cơ sở gây ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng để có kế hoạch xử lý triệt để. Trong tổng số 102 cơ sở gây ô nhiễm của toàn tỉnh thì trong các khu, CCN có 32 đơn vị. Sau một thời gian dài triển khai, hiện nay mới có 6 đơn vị được công nhận hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, Sở này cũng đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 60 đơn vị sản xuất, kinh doanh trong các khu, CCN, kiến nghị xử phạt hành chính đối với 20 lượt cơ sở gây ô nhiễm môi trường, số tiền phạt gần 500 triệu đồng... Điều đó cho thấy, mặc dù chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường tại các khu, CCN, song kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn.
Tại cuộc giám sát mới đây về quy hoạch phát triển các khu, CCN trên địa bàn của Thường trực HĐND tỉnh, nhiều đại biểu có ý kiến rất thẳng thắn về vấn đề bảo vệ môi trường. Đại biểu Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tâm tư: Tập trung thu hút đầu tư để phát triển kinh tế mà thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường là không ổn. Dù sau này kinh tế phát triển đến mấy cũng khó có thể bù lại được một khi môi trường đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, hơn lúc nào hết cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhất là trong các khu, CCN. Đề xuất phương án bảo vệ môi trường, đại biểu Vi Thị Chung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đặt vấn đề: Đã bao giờ ngành Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho tỉnh xử lý các trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng ở mức cao hơn mức phạt vi phạm hành chính chưa? Theo tôi, nên chăng phải có hình thức mạnh tay hơn nữa, có thể là tạm dừng hoạt động đối với các đơn vị vi phạm nhiều lần hoặc cố tình vi phạm. Còn đại biểu Lương Trung Hà, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh thì băn khoăn trước việc có quá nhiều dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa làm báo cáo ĐTM. Đại biểu Hà cho rằng, việc cho phép làm tắt, hoặc “khất” để làm bù sau nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư là hoàn toàn có thể, nhưng quan trọng là sau đó chúng ta giám sát việc thực hiện theo cam kết của các đơn vị thế nào? Còn ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì lập luận: Quản lý về môi trường không phải chỉ có báo cáo ĐTM mà phải xem thực tiễn diễn ra như thế nào, nhất là việc chấp hành của các doanh nghiệp ra sao...