Bài 4: Giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách

08:16, 31/10/2014

Mấu chốt cuối cùng của đầu tư phát triển chính là hưởng lợi: Doanh nghiệp thu lãi; người lao động có việc làm, thu nhập ổn định; ngân sách Nhà nước tăng nguồn đóng góp... Điều đó không nằm ngoài định hướng cũng như mục tiêu đề ra của tỉnh khi đẩy mạnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.

Ông Phan Mạnh Cường, Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh: Khả năng tuyển dụng lao động tại các KCN của tỉnh đang rất lớn, dự kiến đến năm 2018 sẽ cần tới 180 nghìn lao động. Do vậy, sức ép về nhà ở cho công nhân đang là vấn đề đặt ra đối với tỉnh. Sự vào cuộc, chung tay của các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này là rất cần thiết hiện nay...   

Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh: Do Thái Nguyên thu hút được các dự án lớn của Samsung tại KCN Yên Bình I nên để đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu và đảm bảo thu ngân sách, chúng tôi đã tiến hành đặt điểm giải quyết các thủ tục hải quan, mở tờ khai ngay tại KCN Yên Bình I.

 

Giải bài toán về lao động, việc làm

 

Chưa có báo cáo chính thức về số lượng lao động đang làm việc trong các khu, CCN của tỉnh, nhưng theo dự tính của cơ quan chuyên môn thì đến hết năm 2015, số lao động sẽ lên tới trên 100 nghìn người và đến năm 2020 sẽ ở mức 260 nghìn người. Đó là điều đáng mừng, bởi vấn đề giải quyết việc làm cho lao động địa phương luôn là đề tài trăn trở của tỉnh nhiều năm qua. Năm 2014 là năm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp với việc thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào các KCN. Đây cũng là năm nguồn lực lao động địa phương được huy động tối đa. Chỉ tính riêng số lao động đang làm việc cho Nhà máy điện tử Samsung ở KCN Yên Bình thôi cũng đã khoảng 24 nghìn người, dự kiến đến tháng 5-2015, nguồn nhân lực cần tuyển dụng của đơn vị này là khoảng 58 nghìn người. Trong đó, một lượng đáng kể là người lao động trên địa bàn tỉnh. Ngoài Samsung, trên 30 dự án phụ trợ cho Samsung tại KCN Điềm Thụy và các khu, cụm CN khác cũng đang trong chiến dịch tuyển dụng lao động rầm rộ.

 

Như vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động không còn là việc quá khó khăn với chúng ta nữa. Cái quan trọng nhất hiện nay là vấn đề đào tạo, bố trí, nâng cao chất lượng nguồn lao động, quan tâm chăm lo đến đời sống, sinh hoạt của người lao động. Samsung và các dự án phụ trợ cho Samsung đang ồ ạt tuyển dụng lao động, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, thời gian đào tạo ngắn. Thu nhập người lao động làm việc tại đây khá cao song thời gian làm việc thường ngắn hạn, không ổn định. Các doanh nghiệp tuyển dụng rất cần lao động có trình độ chuyên môn cao để có thể gắn bó lâu dài, nhưng luôn trong tình trạng thiếu. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, các dự án đầu tư vào khu, CCN của tỉnh thường không có kế hoạch tuyển dụng lao động ngay từ đầu nên rất khó cho địa phương khi bố trí nguồn lao động. Đáng lẽ ngay từ khi được cấp phép đầu tư, các doanh nghiệp phải thông tin với tỉnh khi nào cần lao động, lao động thuộc những ngành, nghề gì và cần tuyển bao nhiều người thì chúng tôi mới biết để tuyên truyền, có phương án chuẩn bị dạy nghề và định hướng nghề cho người dân địa phương. Hiện các doanh nghiệp vẫn phải đưa lao động ở tỉnh khác vào làm việc là bởi lý do đó. Ông Long cũng đề nghị, khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cần phải yêu cầu doanh nghiệp xác định rõ kế hoạch tuyển dụng lao động. Được như thế, hiệu quả triển khai các suất hỗ trợ của Nhà nước với người lao động địa phương bị thu hồi đất sẽ tốt hơn.

 

Một vấn đề nữa đặt ra là đời sống của người lao động trong các khu, cụm CN cần được quan tâm hơn nữa, nhất là về nhà ở. Tại các KCN của tỉnh mới ghi nhận mỗi KCN Yên Bình là bắt đầu xây dựng nhà ở cho công nhân Samsung. Tuy nhiên, với 9 tòa nhà tập thể, mỗi tòa đáp ứng được trên 700 chỗ ở thì cũng chỉ giải quyết được khoảng 1/4 số lao động hiện có. Để giải quyết vấn đề này, về lâu dài, tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn đến năm 2020. Theo đó, dự kiến sẽ huy động trên 2.800 tỷ đồng từ vốn ngân sách và khoảng 73.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, trong đó có khoảng 12.500 căn nhà ở cho đối tượng là người có thu nhập thấp, trên 5.000 căn nhà ở công nhân và khoảng 21.500 căn nhà cho đối tượng là hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Với Chương trình này, dự kiến sẽ góp phần giải quyết tới trên 50% nhu cầu nhà ở cho người lao động đang làm việc tại các dự án trên địa bàn...

 

Đóng góp vào ngân sách còn khiêm tốn

 

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh thì hiện mỗi năm các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN của tỉnh đóng góp khoảng 200 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Còn đối với các CCN, dù Sở Công Thương chưa thống kê nhưng chắc chắn sẽ ít hơn rất nhiều so với các KCN. Như vậy, rõ ràng đây là con số khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá ít so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, CCN. Mặt khác, những đóng góp đó không thấm vào đâu so với lượng ngân sách trên 5.000 tỷ đồng mà tỉnh đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN cũng như hỗ trợ hạ tầng các CCN. Đánh giá chuyên môn cho thấy, ngoài lýý do về thực lực của phần đông các doanh nghiệp chưa mạnh, nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt, còn do tình trạng thất thu từ các hoạt động của nhà thầu. Nguồn thuế xây dựng cơ bản vãng lai do các nhà thầu thực hiện đối với những dự án hạ tầng KCN do ngân sách Nhà nước đầu tư và xây dựng hạ tầng, nhà xưởng do doanh nghiệp tự bỏ vốn (nhất là các doanh nghiệp vốn FDI lớn) thời gian qua chưa được thu triệt để. Các nhà kinh tế cho rằng, đây là vấn đề không nhỏ, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ thất thu một khoản lớn cho ngân sách là có thể xảy ra. Phân tích của Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy, hiện tại nguồn thuế đóng góp chưa nhiều là do các doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm đầu. Trong giai đoạn này chủ yếu chúng ta thu thuế thu nhập cá nhân. Theo kế hoạch đăng ký của các nhà đầu tư trong KCN thì năm 2014 chỉ có thể nộp khoảng 200 tỷ đồng vào ngân sách, nhưng năm 2015 lại tăng lên khoảng 500 tỷ đồng và dự tính đến năm 2019 số thu sẽ là khoảng 3.000 tỷ đồng. Riêng thuế thu nhập cá nhân, trong khoảng gần 50 nghìn công nhân của Samsung cũng có tới 40% đến 50% số người phải nộp.

 

Được biết, hiện nay tại các KCN, tỉnh cũng đã tính toán đến việc quy hoạch, bố trí hệ thống các dịch vụ cần thiết liên quan đến tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan và thanh toán quốc tế. Bởi theo dự kiến của tỉnh, năm 2014 này kim ngạch xuất khẩu từ các KCN đạt khoảng 10 tỷ USD, đến năm 2006, khi các doanh nghiệp vào sản xuất ổn định thì kim ngạch khả năng sẽ ở mức 30 tỷ USD và sẽ chạm ngưỡng 35 tỷ USD vào năm 2019.