Cần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề

08:43, 27/10/2014

Nước ta là một nước nông nghiệp, đa số người dân sống ở khu vực nông thôn. Việc khôi phục và phát triển các ngành nghề ở nông thôn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, không ít làng nghề gặp khó khăn cho sản phẩm đầu ra, làm ăn thua lỗ. Do vậy, việc tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề đang là vấn đề đặt ra.

Thị trường tiêu thụ gặp khó

 

 

Làng nghề ở nước ta có truyền thống từ lâu đời và rất đa dạng như mây tre đan, thêu ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chạm khắc đá, vàng bạc, đúc đồng, gốm sứ mỹ nghệ, sơn mài,… Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nước ta có hơn 1.600 làng nghề được công nhận và khoảng 3.200 làng có nghề, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động. Các làng nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề cao gấp 4 - 5 lần so với người lao động thuần nông; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có làng nghề chỉ chiếm 3,7%. Lao động ở nhiều làng nghề có thu nhập khá cao, chẳng hạn như ở Hà Nội. Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của lao động ở các làng nghề đạt mức 25 triệu đồng/người/năm, riêng ngành gốm sứ có mức thu nhập bình quân lên tới 46 triệu đồng/người/năm.

 

Việc phát triển kinh tế làng nghề cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 60 - 80%; nông nghiệp chiếm 20 - 40%. Sản phẩm làng nghề không những được tiêu thụ trong nước, mà còn được xuất khẩu, nhất là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mang lại một nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mới đạt 274 triệu USD, thì năm 2006 đã đạt khoảng 650 triệu USD. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ của nước ta đạt từ 1,5 - 1,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu được đóng góp từ các làng nghề truyền thống. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta đã được xuất khẩu trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Tuy vậy, thời gian gần đây các làng nghề nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, cả ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Đã có không ít cơ sở sản xuất ở các làng nghề đã rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, như do nền kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ cũng như xuất khẩu của sản phẩm làng nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh tự do hoá thương mại, cạnh tranh về thị trường tiêu thụ của các sản phẩm làng nghề ngày càng quyết liệt trên phạm vi toàn cầu. So với nhiều nước trong khu vực, sản phẩm làng nghề của Việt Nam còn thua kém họ về nhiều phương diện như giá cả, mẫu mã, chất lượng, kênh phân phối.

 

Khả năng cạnh tranh chưa cao

 

Nhìn chung, hầu hết các sản phẩm làng nghề của Việt Nam có chất lượng chưa đồng đều, sức cạnh tranh ở mức độ trung bình. Về cơ bản, thợ thủ công lành nghề ở nhiều làng nghề còn thiếu, nhất là thợ thủ công tay nghề cao. Lực lượng thợ thủ công ít được tiếp cận với các khoá đào tạo cơ bản, nên họ thiếu kiến thức về nghề nghiệp, thiếu tính sáng tạo để có thể thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã. Ở nước ta tuy có nguồn nguyên liệu để cung cấp cho các làng nghề phong phú, nhưng nguồn cung cấp thường không ổn định do thiếu chiến lược phát triển, quản lý và khai thác. Nhìn chung, nhận thức về chất lượng của các hộ làng nghề còn hạn chế. Đa số họ tự thiết lập tiêu chuẩn chất lượng về nguyên liệu theo kinh nghiệm, chứ chưa biết căn cứ vào cơ sở chỉ tiêu nào để đánh giá, so sánh.

 

Về cơ bản, các làng nghề vẫn còn phát triển tự phát, theo kiểu cha truyền con nối, chưa thực sự có một chiến lược căn cơ để phát triển sản phẩm của làng nghề. Điều này đã dẫn tới mẫu mã của sản phẩm còn đơn điệu, chưa phong phú để đáp ứng tốt nhất thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm có mẫu mã tương tự nhau, chưa có được những đặc điểm nổi bật mang dấu ấn của bản sắc văn hoá của từng làng, từng vùng, từng dân tộc. Mặt khác, hoạt động sản xuất của làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nên việc đầu tư thiết bị công nghệ để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm rất hạn chế. Liên kết trong sản xuất giữa các hộ gia đình chưa chặt chẽ, nên chưa tận dụng được các dịch vụ chung để giảm chi phí sản xuất và chi phí lưu thông. Do vậy, ngoài khả năng cạnh tranh về mẫu mã, khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Khả năng tiếp cận thông tin thị trường của các làng nghề còn hạn chế, nhất là thông tin về thị trường nước ngoài. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp làng nghề đã tham gia vào xuất khẩu, song phần lớn họ tiếp cận kiến thức về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng khá thụ động, nên nguồn thông tin thường không đầy đủ và không kịp thời. Tuy việc cung cấp thông tin cho các làng nghề đã được đẩy mạnh, nhưng chủ yếu là qua hệ thống loa phát thanh của làng, xã và từ đài truyền hình. Việc họ tiếp cận thông tin về thị trường qua các ấn phẩm báo chí, từ internet còn rất hạn chế. Do vậy, người sản xuất tại các làng nghề không biết sản phẩm của họ được người tiêu dùng tiếp nhận như thế nào. Các làng nghề vẫn sản xuất ra những gì mình có, mẫu mã quen thuộc, chứ chưa phải sản xuất ra những gì mà thị trường cần. Chẳng hạn với sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, nhiều làng nghề chủ yếu vẫn còn duy trì xu hướng làm theo mẫu cố định, mà chưa thực sự nắm kịp sự thay đổi của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Việc mở rộng thị trường tiêu thụ và khả năng tiếp thị sản phẩm của làng nghề còn yếu. Thị trường trong nước với 90 triệu dân, hàng năm có hàng triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, có hàng triệu lượt du khách nội địa, nhưng việc khai thác lợi thế này chưa cao. Mối liên kết giữa các làng nghề và ngành du lịch tuy đã được đẩy mạnh, nhưng chưa thật sự chặt chẽ, nên việc giới thiệu và cung cấp sản phẩm của làng nghề đối với du khách chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với du khách nước ngoài.

 

Thúc đẩy mở rộng thị trường

 

Cần đẩy mạnh xây dựng chính sách sản phẩm, đặc biệt là chú trọng bảo tồn các giá trị truyền thống để tạo ra các sản phẩm có tính đặc thù riêng của mỗi làng, mỗi vùng, mỗi dân tộc và xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm. Cần có quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhu cầu sử dụng của mỗi làng nghề để nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề. Tăng cường khâu thiết kế để đa dạng hoá mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng và phong phú của người tiêu dùng, tránh gây tâm lý nhàm chán.

 

Thúc đẩy phát triển các cụm làng nghề tập trung gắn với quy hoạch các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Các cụm làng nghề theo hướng tập trung sẽ có khả năng tiếp cận được với những dịch vụ chung như điện, nước, hệ thống xử lý chất thải, thông tin, đào tạo nguồn nhân lực cũng như họ có thể cùng nhau sử dụng máy móc, thiết bị… Qua đó, họ có thể giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm làng nghề trên nhiều phương diện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt hơn giải pháp này, có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước như Thái Lan.

 

Ở Thái Lan, họ đã có các chính sách bổ trợ quan trọng, như chính sách phát triển các cụm công nghiệp, nhất là ở vùng nông thôn với chủ trương mỗi làng một sản phẩm. Mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy mỗi làng, xã phát triển một sản phẩm của mình, đặc biệt là sản phẩm truyền thống. Chính sách này được thực thi dựa trên các cơ chế khuyến khích về chính sách, hành chính, tạo dựng mạng lưới và các chiến lược marketing. Một mặt, chính phủ Thái Lan khuyến khích các doanh nhân và thúc đẩy tinh thần kinh doanh; mặt khác, hỗ trợ bằng các hoạt động tư vấn và thảo luận giữa cộng đồng địa phương và chuyên gia về việc sử dụng lao động, cung ứng nguyên vật liệu, quá trình thiết kế và marketing. Trong số các sản phẩm của làng sản xuất, họ tập trung tìm ra một sản phẩm mạnh nhất, gọi là “sản phẩm làng vô địch”, sau đó lấy giấy chứng nhận của chính quyền địa phương về sản phẩm. Trên cơ sở đó, có những xem xét và nghiên cứu để phản ứng với nhu cầu của thị trường và tiêu chuẩn chất lượng một cách phù hợp.

 

Ở nước ta, năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án về “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 – 2015”. Trong đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề có nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia. Mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm; mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt từ 20 - 22%/năm. Tuy nhiên, nhìn chung, cho tới nay Chương trình này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Chẳng hạn như xuất khẩu mặt hàng gốm sứ, 4 tháng đầu năm 2014 cả nước thu được 162,8 triệu USD, và mức tăng chỉ đạt 11,63% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Gắn việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đối với từng loại sản phẩm làng nghề với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Vấn đề này cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan. Ở Thái Lan, về cơ bản, các sản phẩm làng nghề gọi là “sản phẩm làng vô địch” được hướng đến các thị trường ở thành phố và thị trường nước ngoài. Trong chiến lược marketing, sản phẩm được đưa lên giới thiệu qua nhiều kênh khác nhau như ở các hãng hàng không, các báo lớn, nhất là các báo tiếng Anh, giới thiệu sản phẩm ở các siêu thị lớn. Ngoài ra, Thái Lan còn tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ sản phẩm hoặc mở các cửa hàng “sản phẩm làng vô địch” trên khắp đất nước. Mặc dù xuất xứ ban đầu của chính sách mỗi làng một sản phẩm gắn liền với sản phẩm truyền thống, song hiện nay với các chiến lược và công cụ marketing hiện đại, nhiều làng đã phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ dựa trên lợi thế vốn có của mình, kết hợp với khả năng gia nhập vào các mạng cung ứng sản xuất nội địa và toàn cầu.

 

Tiếp tục có cơ chế để khuyến khích nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội làng nghề để tăng tính liên kết giữa các làng nghề; giữa các làng nghề với các ngành nghề khác. Coi đây là một trong những nhân tố quan trọng để đẩy mạnh khả năng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường của sản phẩm làng nghề. Các hiệp hội làng nghề cần hỗ trợ hiệu quả hơn các làng nghề trong việc xuất khẩu sản phẩm. Cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu sang các nước khu vực châu Á, vì người tiêu dùng trong khu vực có nhiều nét văn hoá tương đồng với văn hoá Việt Nam. Mặt khác cần chú trọng mở rộng và khai thác những thị trường như châu Âu, Mỹ cũng như các thị trường khác như Nga, Đông Âu, Nam Mỹ,…