Trong năm 2014, được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn của Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh ta đã khởi công trên 10 công trình phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn với số vốn lên đến trên 200 tỷ đồng. Mặc dù quá trình thi công còn gặp nhiều khó khăn xong đến nay, hầu hết các công trình đã hoàn thành từ 50-70% khối lượng công việc, trong đó nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đơn cử như công trình chuồng trại chăn nuôi lợn nái của Trại lợn Tân Thái thuộc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, nằm trên địa bàn xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đến nay đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc của năm 2014. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, chỉ sau hơn nửa năm thi công, quả đồi rộng lớn thuộc khu đất của Trại lợn Tân Thái đã được san gạt bằng phẳng. Những dãy chuồng trại để phục vụ chăn nuôi lợn nái đã hình thành trên nền đất mới. Ông Phạm Gia Huỳnh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành phần thô của khu chăn nuôi, sang năm 2015 mới lắp đặt hệ thống chuồng trại và các thiết bị bên trong.
Được biết, công trình chuồng trại chăn nuôi lợn nái của Trại lợn Tân Thái nằm trong Dự án nâng cấp cơ sở sản xuất giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh do ngân sách Nhà nước đầu tư với tổng số vốn 18,8 tỷ đồng. Trong năm 2014, Dự án cấp cho tỉnh 6,6 tỷ đồng để thực hiện phần thô (bên ngoài), năm 2015 sẽ cấp nốt số tiền còn lại để hoàn thiện khu vực chăn nuôi. Dự án này sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2016, với quy mô đàn nái là 400 con, gấp đôi hiện nay
Song song với dự án trên, Dự án nâng cấp tuyến đường Phủ Lý - Yên Trạch (Phú Lương) cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công (ngay sau khi khởi công vào ngày 26-9 vừa qua). Đây là tuyến đường được thiết kế nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, đi qua địa phận các xã Phủ Lý, Yên Đổ, Yên Trạch (Phú Lương), có chiều dài gần 12km, nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m, được láng nhựa và có công trình thoát nước hai bên đường. Tổng kinh phí nâng cấp toàn tuyến là trên 41,7 tỷ đồng (từ nguồn vốn vay ADB, vốn đối ứng ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách tỉnh). Công trình sẽ hoàn thành sau 2 năm thi công.
Bên cạnh những Dự án đang triển khai, nhiều Dự án do được đẩy nhanh tiến độ thi công đã về trước kế hoạch khoảng 3 đến 4 tháng. Cụ thể là công trình sửa chữa, nâng cấp cụm các công trình thủy lợi huyện Phú Bình gồm hồ Vực Giảng, xã Tân Hòa và hồ Đồng Quan, xã Bàn Đạt. Theo thiết kế, sau khi công trình hoàn thành, 2 hồ nêu trên sẽ cung cấp nguồn nước tưới cho 58ha lúa và hòa màu của 2 xã này. Kinh phí đầu tư cho công trình trên 13 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ông Bùi Tiến Chính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Khởi công từ tháng 1-2014. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sau 360 ngày thi công. Tuy nhiên đến tháng 8, các hạng mục đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, kênh và công trình trên kênh, nạo vét lòng hồ ở hồ Vực Giảng đã hoàn thành và hiện đã được đưa vào sử dụng. Còn tại hồ Đồng Quan, đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc, phấn đấu đến hết tháng 10 sẽ hoàn thành.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì tiến độ thực hiện các công trình phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn được khởi công xây dựng trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Đạt được kết quả nêu trên là cả một sự nỗ lực rất lớn của ngành Nông nghiệp - đơn vị được giao làm chủ đầu tư các công trình nêu trên. Bởi trên thực tế, năm nay, thời tiết không thuận lợi cho việc xây dựng các công trình. Đầu năm, từ tháng 2 đến tháng 4, trời liên tục mưa, nhiều công trình đã khởi công nhưng chỉ thi công cầm chừng dẫn đến tiến độ thi công các công trình những tháng đầu năm chậm so với kế hoạch đề ra. Cùng với đó, nguồn vốn phục vụ xây dựng các công trình chưa được bố trí kịp thời…
Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay khi thời tiết vào hè (khoảng tháng 5), trời nắng, khô ráo, chúng tôi đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Khi nguồn vốn chưa được bố trí kịp thời cho việc xây dựng các công trình, chúng tôi đã đề nghị các nhà thầu ứng vốn để việc thi công đảm bảo tiến độ…
Việc đảm bảo tiến độ các công trình nêu trên đã đáp ứng lòng mong mỏi của người dân trong tỉnh. Trên thực tế, những năm qua, từ nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn trong tỉnh đã được đầu tư có hiệu quả. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta được đầu tư từ 10 đến 20 công trình, đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Đặc biệt là các công trình như đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp nhằm tăng năng lực tưới thiết kế của các hệ thống trình thủy lợi; nâng cấp các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, cây trồng…