Theo số liệu do đại biểu Quốc hội cung cấp, trong 1,6 triệu tỷ đồng doanh nghiệp Nhà nước vay nợ, Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước vay trong nước là 35.000 tỷ đồng, bảo lãnh cho vay nước ngoài là 173.000 tỷ đồng.
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tình trạng nợ công tăng cao, ngân sách thu không đủ chi.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy nợ công đang ở mức cao, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, mỗi năm nợ công tăng bình quân 20%, tương đương khoảng 350.000 tỷ đồng. Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế lại không tương xứng, chỉ đạt khoảng 5,8%.
Cũng theo số liệu do ông Ngân cung cấp, trong 1,6 triệu tỷ đồng doanh nghiệp Nhà nước vay nợ, Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay trong nước là 35.000 tỷ đồng, bảo lãnh cho vay nước ngoài là 173.000 tỷ đồng.
“Số này đã tính trong nợ công năm 2013. Vì thế, nợ công đang ở mức rất cao dù nằm dưới mức pháp định là 65% GDP nhưng không phải mức an toàn. Giống như xe cộ lưu thông, tốc độ quy định không vượt quá 65 nhưng có xe chạy dưới tốc độ đó lại gây tai nạn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân so sánh.
Do đó, việc kiểm soát nợ công là một vấn đề mà theo ông Ngân, Quốc hội, Chính phủ trong kỳ này phải quyết liệt, quan tâm một cách thỏa đáng, giám sát chặt chẽ. Nếu Quốc hội không giám sát chặt để kìm hãm tốc độ tăng nợ công sẽ rất đáng lo. Lấy ví dụ trên thế giới, ông Ngân cho hay, Nhật Bản nợ công là 227% GDP, Singapore 105%, Mỹ 101% nhưng có những nước như Argentina nợ công chỉ 45% nhưng lại vỡ nợ.
Trước báo động đỏ về nợ công, không ít đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tới nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2015 là tập trung vào trả nợ. Bởi nợ công đang tăng rất nhanh, cả về quy mô và tốc độ. Nếu như năm 2010, nợ công chỉ 1,115 triệu tỷ đồng, chiếm 51,7% GDP, một con số có thể yên tâm. Nhưng đến năm 2013 đã hơn 1,9 triệu tỷ, năm 2014 gần 2,4 triệu tỷ, dự kiến 2015 gần 2,9 triệu tỷ, chiếm trên 64% GDP.
Giải thích thêm về tình hình nợ công và phương hướng trả nợ những năm tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Việc phát hành trái phiếu giai đoạn 2011 - 2015 vào khoảng 225.000 tỷ đồng; đến cuối năm 2013, đầu năm 2014 phát hành thêm 170.000 tỷ đồng; giai đoạn 2014-2016 chủ yếu để làm Quốc lộ 1 và 14 khiến nợ công tăng.
Theo ông Vũ Văn Ninh, cần phải mất vài năm để lành mạnh hóa nợ công. Nhưng phần nợ đang tăng nhanh, tạo sức ép trả nợ lại là nợ trong nước.Tổng dư nợ đang tăng tương đối nhanh trong mấy năm gần đây, đến nay đã lên gần sát đỉnh 65% GDP. Nhưng điều quan trọng, nếu tính an toàn nợ so với GDP chỉ là một chỉ tiêu, chỉ tiêu hết sức quan trọng là có trả được nợ hay không. Nếu năm 2010, trong cơ cấu nợ công thì nợ nước ngoài gần 60%, nợ trong nước khoảng 40% thì đến năm 2013, nợ nước ngoài khoảng 50%, nợ trong nước 49% và cộng thêm nợ bảo lãnh, chủ yếu vay trong nước.
Phó Thủ tướng cho hay, trên thế giới có nước tổng dư nợ 100% GDP, thậm chí còn cao hơn nữa như Nhật, Mỹ nhưng vẫn an toàn vì sức khỏe nền kinh tế mạnh, họ vẫn trả được nợ. Cũng có nước chỉ vay 20-30% GDP nhưng vẫn vỡ nợ vì không trả được nợ.
Nhưng Phó Thủ tướng cho hay, việc chi trả nợ hiện nay tăng nhanh quá. Các khoản nợ ngoài nước không căng thẳng lắm, bởi bình quân lãi suất chỉ khoảng 1,6%/năm. Số nợ còn lại hiện nay, có thời gian vay trong khoảng 10-20 năm, bình quân 12,8 năm mới phải trả nợ gốc và sẽ tiến hành giảm dần dần từ từ.
Ngược lại, vay trong nước dẫn đến nợ công tăng nhanh khiến việc trả nợ rất căng thẳng, làm cho đỉnh nợ vào năm 2016. “Cái xấu chính là ở nợ trong nước, khi bình quân trả nợ chỉ trong khoảng 4,3 năm, thậm chí cơ cấu vay có khoản chỉ có 1 năm. Có kỳ hạn vay như năm 2013 vay 1 năm đã tới gần 22,7% rồi, chính vì thế phải trả nợ nhanh quá, vừa vay xong đã phải bố trí sang năm trả nợ rồi. Hơn nữa vay trong nước lãi suất tương đối cao, vì vay theo lãi suất thị trường”, Phó Thủ tướng phân tích.
Do vậy, “Chính phủ đang chỉ đạo các bộ cơ cấu lại nợ, chủ yếu nợ trong nước, còn nợ nước ngoài tương đối an toàn. Chúng tôi đang bàn với nhau giải pháp phải cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ, làm sao để vay dài ra, vay 10 năm chẳng hạn, theo chu kỳ cuốn chiếu thì mình trả dần, trả dần những năm sau, vay càng dài thì càng lợi. Chúng ta cũng phải bình tĩnh vì yêu cầu tăng trưởng phát triển thì phải vay nhưng bây giờ phải cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu đầu tư, làm sao sử dụng tiền cho hiệu quả. Nếu làm ăn được thì trả nợ được còn vay về làm ăn không tốt, đầu tư không hiệu quả, lãng phí, tốn kém thì nguy cơ. Đây là điều Chính phủ rất quan tâm, đại biểu quan tâm, nếu tới đây cơ cấu lại nợ công thì nợ công sẽ lành mạnh hơn”, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh nhấn mạnh.