Gạch không nung: Gian nan tìm “chỗ đứng”

09:48, 31/10/2014

Mặc dù có nhiều tính ưu việt như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giá bán thấp hơn so với các loại gạch nung cùng kích cỡ nhưng đến nay gạch không nung (GKN) vẫn chưa được đa số người dân tin dùng. Sản phẩm GKN tiêu thụ chậm và các công ty sản xuất GKN gặp nhiều khó khăn để tìm “chỗ đứng” trên thị trường.

Người tiêu dùng chưa mặn mà

 

Mặc dù ở gần khu vực Mỏ đá Núi Voi, nơi có nhiều cơ sở sản xuất GKN nhưng ông Nguyễn Tiến Minh, ở xóm Tân Thái, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) vẫn chọn gạch nung để xây dựng ngôi nhà 2 tầng của gia đình. Ông Minh cho biết: “Trước khi xây nhà, tôi cũng bỏ công đi tham khảo các loại gạch, nhất là GKN. Tuy nhiên tìm hiểu tại các cơ sở sản xuất, tôi thấy GKN có kích thước lớn, không đa dạng chủng loại, mẫu mã, chất lượng khó xác định nên tôi quyết định mua gạch nung để sử dụng”.

 

Không chỉ có ông Minh mà phần lớn người dân khi xây dựng nhà, các công trình kiên cố đều chọn loại gạch nung. Ông Trần Đình Khoa, ở tiểu khu Tân Lập, thị trấn Đu (Phú Lương) chia sẻ: “Tôi biết sản phẩm GKN góp phần bảo vệ môi trường nhưng thói quen hàng nghìn đời nay của người dân Việt Nam là xây nhà bằng gạch nung. Vậy nên khi lựa chọn loại GKN nhiều người phản đối, lo lắng về chất lượng công trình nên gia đình tôi quyết định chọn gạch nung để xây dựng”.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tâm lý lựa chọn gạch nung để xây dựng vẫn phổ biến ở hầu hết người dân. Mặc dù GKN có ở khá nhiều nơi, giá bán thấp hơn gạch nung nhưng người dân vẫn ngại thay đổi và lo lắng về chất lượng của sản phẩm. Theo nhiều người, độ rắn chắc, kích thước nhỏ gọn của gạch nung khiến người dân ưa chuộng và cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng. Cũng từ thói quen sử dụng gạch nung truyền thống nên dẫn đến thị trường tiêu thụ GKN còn hạn hẹp, nhiều cơ sở sản xuất GKN phải hoạt động cầm chừng.

 

Doanh nghiệp gặp khó

 

Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Thái Nguyên, trụ sở tại tổ 15, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc sản xuất GKN. Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất GKN công nghệ rung nén hiện đại với công suất 30 triệu viên/năm từ năm 2010. Sản phẩm GKN của Công ty là loại gạch bê tông xi măng có kích thước bằng gạch nung thông thường và đã được công nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua, việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: “Trung bình mỗi tháng Công ty chỉ tiêu thụ được 20 đến 30 vạn viên, đạt khoảng 12% công suất. Chính vì vậy mà Công ty đã phải sản xuất các sản phẩm khác như cột điện, cột bê tông để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

 

Gạch không nung (GKN) là một loại gạch tự đóng rắn đạt các chỉ số về cơ học như cường độ nén, uốn, độ hút nước... mà không cần qua nhiệt độ.

 

Sản phẩm GKN có nhiều chủng loại để có thể sử dụng rộng rãi từ những công trình phụ trợ nhỏ đến các công trình kiến trúc cao tầng. Một số công trình điển hình sử dụng GKN như:Keangnam, Landmard Tower,Habico Tower (Hà Nội), Sông Giá resort (Hải Phòng), Sân vận động Mỹ Đình...

Cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn ở phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) đã tạm dừng hoạt động của dây chuyền sản xuất GKN thử nghiệm. Ông Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã vận hành dây chuyền sản xuất thử nghiệm GKN công suất 20 triệu viên/năm, tuy nhiên sản phẩm không tiêu thụ được nên Công ty đã tạm dừng kế hoạch xây dựng Nhà máy.

 

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 công ty và hơn 300 cơ sở sản xuất GKN với công suất gần 350 triệu viên/năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những cơ sở sản xuất GKN trong tỉnh chỉ hoạt động với công suất thấp, tại một số đơn vị còn tồn đọng GKN với số lượng lớn. Giới chuyên môn đánh giá, nguyên nhân GKN khó tiêu thụ là do sản phẩm còn mới mẻ trên thị trường; nhiều chủ đầu tư và một bộ phận không nhỏ người dân chưa có thói quen sử dụng GKN thay thế gạch nung truyền thống và nhu cầu xây dựng trong thời gian qua giảm mạnh vì bất động sản đóng băng, nền kinh tế gặp khó khăn.

 

Cần thêm nguồn lực hỗ trợ

 

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng gạch không nung đến năm 2020 và Chỉ thị tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước, các công trình nhà cao tầng. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định về việc phê duyệt lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch trên địa bàn tỉnh; ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án Tăng cường sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh; sử dụng các nguồn vốn khuyến công hỗ trợ các cơ sở sản xuất GKN; khuyến khích sử dụng GKN vào các công trình Nhà nước… Tuy nhiên, để mở rộng hơn thị trường tiêu thụ, tăng khả năng cạnh tranh của GKN, bên cạnh sự nỗ lực của các công ty, cơ sở sản xuất trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Nhà nước vẫn nên tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng, có những chế tài cụ thể đối với những loại công trình phải dùng vật liệu thân thiện với môi trường; chính quyền các huyện, thành, thị trong tỉnh tiếp tục tăng cường xử lý các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công; các đơn vị, cơ quan đẩy mạnh việc tuyên truyền sử dụng GKN, thay đổi thói quen của người dân. Có như vậy, sản phẩm GKN mới dần có “chỗ đứng” trên thị trường.