Giảm nợ xấu về mức 3%

08:43, 30/10/2014

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra ngày 29/10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong phiên họp Chính phủ tháng này Chính phủ đã yêu cầuNgân hàng Nhà nước (NHNN) đưa nợ xấu xuống dưới 3%.    

Từ khi triển khai Đề án xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng từ năm 2012 đến tháng 10/2014, cả nước đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ 17% xuống còn 5,43%; giảm từ khoảng 460 ngàn tỷ đồng xuống còn 252 ngàn tỷ đồng (giảm 54,3%). VAMC đến hết tháng 9 đã mua vào khoảng 125 ngàn tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu hết năm 2014 phấn đấu mua từ 130 đến 150 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Hiện VAMC cũng đã bán được 4.000 tỷ đồng nợ xấu và tiếp tục bán khi thị trường đảm bảo việc bán nợ xấu có lợi nhất.

 

Tuy nhiên, yêu cầu giảm nợ xấu vẫn là vấn đề cấp bách. Về triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Văn Nên, Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu từ mức 5,43% tính đến giữa tháng 9/2014, xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

 

Về câu hỏi của báo giới xung quanh đánh giá của một đại biểu Quốc hội cho rằng, nợ xấu xử lý qua VAMC còn chậm, lãi suất cho vay hiện còn cao, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ý kiến của đại biểu Quốc hội chúng tôi luôn lắng nghe và bất kỳ ý kiến nào của đại biểu, NHNN đều có báo cáo làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm. NHNN cũng đã có báo cáo Quốc hội về hoạt động tiền tệ NH trong thời gian vừa qua.

 

Về vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, trên thực tế nợ xấu là kết quả phát sinh từ nhiều năm và khi Chính phủ có chủ trương tái cơ cấu hệ thống các TCTD thì nợ xấu là trọng tâm cần xử lý. NHNN cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện tái cơ cấu TCTD và có xử lý nợ xấu, trong đó có thành lập VAMC. Bằng nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống TCTD là 5,43%.

 

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những khó khăn vướng mắc của VAMC đang được NHNN phối hợp với các bộ ngành để tiếp tục tháo gỡ. Đặc biệt là vướng mắc liên quan đến pháp lý khiến khó khăn cho xử lý nợ xấu.

 

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm, NHNN đang trình Chính phủ ban hành Nghị định 53 (sửa đổi) để tăng quyền năng, tăng vốn cho VAMC, tạo khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường… Đồng thời, NHNN cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ khó khăn qua các dự án Luật (sửa đổi, bổ sung) để xử lý được nợ xấu như Luật Nhà ở (tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà); Luật kinh doanh bất động theo hướng cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản; Luật Doanh nghiệp (DN) thì tăng khả năng minh bạch cho xử lý nợ xấu. Với cố gắng như vậy, hệ thống NH cũng mong muốn từ phía DN có đánh giá rà soát lại hoạt động kinh doanh, tăng khả năng trả nợ, kiểm soát dòng tiền. Và mong các bộ ngành cùng tháo gỡ vướng mắc trong Nghị định 53, thúc đẩy cơ chế bảo lãnh cho DN.

 

Về lãi suất, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, vào đầu năm 2011 lãi suất cho vay ở mức rất cao trên 20%/năm, nhưng bằng các giải pháp điều hành của NHNN hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên giảm còn 7%/năm và theo chỉ đạo của Thống đốc thì cho vay trung dài hạn tối đa không vượt quá 10%/năm.