Cuối năm 2013, Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình sinh khí học (gọi tắt là Dự án Qseap) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng nhà sơ chế, đường bê tông, hệ thống tưới nước… tại xóm Hang Neo, xã Yên Lạc (Phú Lương). Đến nay, công trình đã được đưa vào sử dụng, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè cho người dân nơi đây.
Hang Neo là một trong 2 xóm (cùng với xóm Thác Dài, xã Tức Tranh) của huyện Phú Lương được công nhận sản xuất thành công mô hình chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tổng diện tích là 25ha với 42 hộ tham gia. Nhằm giúp người dân trong xóm có điều kiện chăm sóc, quảng bá sản phẩm chè, cuối năm 2013, Dự án Qseap đã đầu tư xây dựng các công trình phục vụ bà con trong Tổ sản xuất chè an toàn của xóm. Sau gần 8 tháng thi công, các hạng mục đã được bàn giao và đưa vào sử dụng. Ông Hoàng Quốc Trung, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn xóm Hang Neo cho biết: Bà con ai cũng phấn khởi nên đã tình nguyện hiến gần 2.000m2 đất để nhà thầu xây dựng nhà sơ chế, làm đường bê tông, nhà chứa rác…
Từ khi các hạng mục đưa vào sử dụng đã hỗ trợ rất nhiều trong việc sản xuất và quảng bá sản phẩm chè an toàn của xóm. Theo đó, nhà sơ chế có diện tích gần 100m2, gồm 3 gian (gian đóng gói, trưng bày và gian tiếp khách) xây dựng ngay sát trục đường chính vào xóm. Hệ thống tưới nước, giếng khoan, nhà chứa rác… được xây dựng tại những nơi có diện tích chè tập trung, tiện cho việc chăm sóc của bà con. Ông Nguyễn Văn Đình, thành viên Tổ sản xuất chè an toàn xóm Hang Neo cho biết: Vì không có hệ thống hồ, đập trữ nước nên từ trước đến nay, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa để chăm sóc cho cây chè. Do đó, năng suất chè thường thấp, chất lượng không cao. Nhưng nay, được Dự án đầu tư, hệ thống nước tưới đã “chạy” đến chân các đồi chè (khoảng 50m là có vòi tưới nước) nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc, tưới tiêu. Không chỉ vậy, có hệ thống máy móc như máy hút chân không, máy ủ hương, giúp chúng tôi đóng gói quảng bá được sản phẩm ra thị trường bằng cách dán địa chỉ, tên hộ sản xuất vào trên bào bì chè thành phẩm…
Để công trình hoạt động hiệu quả, Dự án Qseap đã bàn giao cho Tổ sản xuất chè an toàn của xóm để quản lý và sử dụng. Theo đó, Tổ trưởng sẽ là người trực tiếp trông giữ hệ thống máy móc, trang thiết bị tại nhà sơ chế, đồng thời phân công cho 2 thành viên khác quản lý hệ thống các trạm bơm, phục vụ nhu cầu tưới chè cho bà con. Anh Hoàng Văn Bừng, người trông giữ trạm bơm số 1, cho biết: Hộ dân nào có nhu cầu sẽ đăng ký để chúng tôi bơm nước lên bể chứa. Họ sẽ phải trả 1.800 đồng/số điện, theo số trên công tơ đặt tại mỗi trạm bơm…
Bà Lê Thị Thúy Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: Xóm Hang Neo, 100% người dân sống phụ thuộc vào cây chè nên việc nâng cao giá trị sản phẩm chè, quảng bá được VietGap của địa phương ra thị trường sẽ rất quan trọng. Hiện nay, chúng tôi cũng đã vận động người dân tích cực đưa các giống chè cành vào sản xuất như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777… Trong tổng số 25ha chè được công nhận VietGap của xóm, đã có gần 15ha diện tích là chè cành.