Hỗ trợ xây dựng làng nghề điểm

16:13, 20/10/2014

Mới đây, Hiệp hội làng nghề tỉnh đã triển khai Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình điểm tại Làng nghề chè truyền thống thuộc xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Tại đây, những người làm chè được cung cấp và ứng dụng một số thiết bị tiên tiến về chế biến, bảo quản chè. Mục tiêu đặt ra của Hiệp hội là giúp người trồng chè tiết kiệm thời gian, nhân công lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi theo chân cán bộ Hiệp hội làng nghề tỉnh chuyển các thiết bị chế biến và bảo quản chè về trao cho bà con nông dân thuộc Làng nghề chè truyền thống xóm 5. Tại đây, 17 hộ làm chè đầu tiên của xóm đã được nhận tận tay 15 bộ máy sao, vò chè và 2 máy đóng gói bằng công nghệ hút chân không. Bà con trong xóm có mặt rất đông, người thì đến tận nơi ngắm nghía, xem xét từng chi tiết của máy, người lại tranh thủ hỏi cán bộ kỹ thuật về công nghệ và tính ưu việt của thiết bị mới. Còn Trưởng xóm 5 và cũng là Trưởng ban quản lý làng nghề của xóm, ông Hoàng Xuân Thủy thì phấn khởi nói với chúng tôi: Bà con vui lắm bởi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ phía Hiệp hội. Mấy năm nay người dân cũng đã bắt đầu sử dụng thiết bị sao, vò chè nhưng do chủ yếu gia công tại địa phương, nên thiết bị vẫn rất lạc hậu. Đặc biệt, ít có gia đình biết ứng dụng thiết bị đóng gói, bảo quản chè theo công nghệ hút chân không. Nay được nhận máy móc mới hiện đại hơn lại làm toàn bằng inox khiến bà con háo hức và kỳ vọng lắm.

 

Theo Hiệp hội làng nghề tỉnh thì đây mới là đợt đầu bàn giao thiết bị chế biến, bảo quản chè cho xóm 5, đợt hai sẽ trao trong tháng 10 này với 15 thiết bị sao, vò chè. Đây là chương trình nằm trong Đề án hỗ trợ và phát triển công nghiệp, TTCN và làng nghề của tỉnh năm 2014. Tổng kinh phí hỗ trợ Làng nghề chè xóm 5 trên 1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 280 triệu đồng, còn lại là do người dân đóng góp. HTX cao cấp gò hàn Cửu Long chuyên sản xuất thiết bị chế biến chè và các dụng cụ bằng inox là đơn vị cung cấp toàn bộ thiết bị sao, vò chè và chuyển giao công nghệ cho bà con. Công ty CP An An chi nhánh Thái Nguyên, đơn vị chuyên cung cấp vật tư, thiết bị ngành chè cung cấp máy đóng gói theo công nghệ hút chân không của Đài Loan. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An An thì cái mới của thiết bị sao chè cung cấp cho bà con hôm nay là có thêm ống khói bằng inox dài 1,2m, đảm bảo khi sao không để khói lan ra bếp, lẫn vào sản phẩm. Máy hút chân không có thể đóng nhiều loại túi với trọng lượng và kích cỡ khác nhau, kéo dài thời gian bảo quản chè đến 2 năm.

 

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh, ông Bùi Quang Huân chia sẻ: Đồng Hỷ là một trong những vùng chè trọng điểm của tỉnh với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để cây chè phát triển. Làng nghề chè xóm 5, thị trấn Sông Cầu là nơi có tới 95% người dân làm chè truyền thống và có tiếng về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, bà con ở đây vẫn sản xuất manh mún, ít có điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến. Việc hỗ trợ bà con máy móc, chuyển giao công nghệ và tư vấn sản xuất ở đây là rất cần thiết, có tác dụng như một "cú hích" giúp làng nghề của xóm phát triển. Quan trọng hơn là Nhà nước đã hỗ trợ thiết bị đồng bộ từ sao, vò đến đóng gói, bảo quản chè, điều mà từ trước đến nay ít làm được.

 

Làng nghề chè xóm 5 được công nhận từ tháng 4-2012 với trên 80 hộ làm chè. Cả làng đang có 55ha chè cành, 50ha chè trung du, dự kiến trong năm 2015 sẽ trồng thêm khoảng 12ha chè giống mới. Theo báo cáo của Ban quản lý làng nghề thì hiện có khoảng 20 hộ thành viên có tổng doanh thu từ chè là 35 đến 40 triệu đồng/tháng. Có thể kể tên một số gia đình tiêu biểu như: Gia đình ông Vi Thanh Khoa, bà Trần Thị Minh Tâm, ông Vũ Văn Nhâm, ông Tăng Văn Thông... Các hộ có doanh thu từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng gồm các ông Đỗ Tiến Ân, Nguyễn Quang Việt, Phạm Văn Lâm... Gia đình ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng Ban quản lý làng nghề cũng có tới 1,5ha chè kinh doanh với sản lượng mỗi năm đạt từ 1,6 đến 1,8 tấn chè búp khô. Ông Thủy tâm sự: Nhu cầu về đầu tư đồng bộ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chè của người dân rất lớn, nhưng để có kinh phí tự đầu tư là không dễ. Do đó, chúng tôi mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí, máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ làm chè cho người dân.