Theo ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, hiện nay, giá than bán cho ngành Điện đang tuân thủ theo cơ chế thị trường, đảm bảo tính đúng, tính đủ để tháo gỡ khó khăn cho ngành Than. Vì vậy, khi thực hiện cơ chế thị trường, giá than tăng sẽ ảnh hưởng đến giá điện.
Chiều 9/10, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo định kỳ quý 3/2014. Tại đây, những vấn đề liên quan đến các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện đã được báo giới quan tâm.
Chưa có phương án tăng giá điện
Trả lời báo chí về thông tin, việc giá than và khí đã tăng đang khiến Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đội chi phí lên khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản lỗ những năm trước vẫn bị “treo”, chưa tính vào giá điện còn khoảng trên 8.000 tỷ đồng, điều này ảnh hưởng thế nào đến giá điện trong thời gian tới?. Ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết, hiện nay, giá than bán cho ngành điện đang tuân thủ theo cơ chế thị trường đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích là nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ để tháo gỡ khó khăn cho ngành than.
Cũng theo ông Truyền, khi thực hiện cơ chế thị trường, giá than tăng sẽ ảnh hưởng đến giá điện. Tuy nhiên, việc điều hành quản lý giá điện lại thực hiện theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo quyết định này, khi các yếu tố đầu vào tăng đến mức độ nào đó thì mới được điều chỉnh giá điện theo.
Liên quan đến câu hỏi về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới, ông Truyền cho biết, đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được phương án điều chỉnh giá điện nào từ phía Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Riêng về giá điện trong 9 tháng năm 2014, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, giá điện những tháng đầu năm vừa qua đã được giữ ổn định. Kiên quyết thực hiện giá thị trường từ ngày 1/8/2013 đối với than bán cho sản xuất điện, để đảm bảo bù đắp được giá thành sản xuất than.
Giá xăng điều hành phù hợp với giá thế giới
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng vừa qua, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách giá, cơ chế quản lý giá điều hành giá của Nhà nước, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin về công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục giám sát, điều hành thị trường xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến thị trường thế giới.
Tính từ đầu năm đến nay giá xăng dầu được điều hành linh hoạt với 17 lần điều hành giữ ổn định hoặc giảm, 5 lần điều chỉnh tăng, kết hợp sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân - doanh nghiệp và Nhà nước. Riêng trong tháng 9 đã 2 lần yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giảm giá xăng dầu phù hợp với thực tế (ngày 9/9/2014 và ngày 19/9/2014).
Liên quan đến Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP vừa được ban hành vừa qua, ông Nguyễn Văn Truyền cho biết, Nghị định 83 do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá công khai, minh bạch. Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về, giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành, thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý; các biện pháp điều hành khác. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối.
Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời hạn tối đa 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Đối với việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính). Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá (nếu có).