Cùng với việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đang phát triển rất nhanh. Theo đó, nguồn nhân lực lao động đang là bài toán không đơn giản cho các nhà đầu tư.
Tính đến năm 2014, số lượng KCN trong cả nước đã tăng lên đáng kể. Ở miền Nam mạnh nhất là Bình Dương, Đồng Nai với hơn 50 KCN. Các KCN điển hình như VSIP, Sóng Thần, An Tây (Ascendas), Mỹ Phước, Amata, Biên Hòa, Loteco, Long Thành, Long Đức luôn thu hút nhiều dự án đầu tư, trong đó có hơn 704 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ USD. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 6 KCN tập trung và 32 CCN phân bố ở khắp các địa phương. Đặc biệt, từ tháng 3 năm nay, Nhà máy điện tử Samsung Thái Nguyên thuộc KCN Yên Bình (chuyên sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, các linh kiện điện tử công nghệ cao) đi vào hoạt động đã thu hút đến trên 16 nghìn lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận vào làm việc. Lãnh đạo Tập đoàn Samsung cho biết, với tốc độ phát triển như hiện tại, chỉ trong vòng một, hai năm tới, nhu cầu lực lượng lao động cho tổ hợp KCN Yên Bình có thể lên tới 70 nghìn người và nhiều hơn nữa. Đây thực sự là cơ hội cho NLĐ không chỉ trong tỉnh mà tất cả các địa phương trong nước, thậm chí là cả người nước ngoài.
Để sớm đi vào hoạt động ổn định, các công ty đã và đang đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng hiện đại, chuyển giao công nghệ nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình sản xuất. Khi làm việc tại các nhà máy này, cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến của các quốc gia phát triển đối với NLĐ là rất đáng quý. Các công ty đầu tư nước ngoài trên địa bàn cơ bản đều đảm bảo lợi ích của NLĐ theo đúng quy định của Pháp luật. Bên cạnh hoạt động giám sát và bảo vệ quyền lợi NLĐ, các tổ chức như Ban quản lý KCN, tổ chức Công đoàn tại các công ty được quan tâm. Do đó, khi làm việc tại các KCN, CCN, NLĐ có thể yên tâm về quyền lợi hợp pháp của mình. Hầu hết các doanh nghiệp đều có chính sách đưa NLĐ đi đào tạo tại nước ngoài. Đó cũng chính là cơ hội của NLĐ. Ngoài ra, để thu hút và giữ chân NLĐ, hiện nay, doanh nghiệp tại các KCN, CCN đều có những chính sách đãi ngộ hấp dẫn từ các khoản phụ cấp, trợ cấp đến việc bố trí xe đưa đón, nhà ở cho công nhân, tổ chức các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần của NLĐ. Mức lương của NLĐ có thể đánh giá là khá cao, so với mặt bằng kinh tế chung của địa phương.
Sự ra đời và đi vào hoạt động của các khu, CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần đáng kể vào thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho NLĐ. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự đáp ứng cho phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCN, CCN là rất lớn. Song, yêu cầu của các công ty nước ngoài đối với NLĐ là rất cao, họ đặc biệt chú trọng đến tác phong làm việc chuyên nghiệp theo kiểu mẫu công nghiệp. Điều này không đơn giản đối với NLĐ trong tỉnh, bởi lâu nay đại đa số NLĐ chỉ được tiếp cận và làm việc tại các công ty tư nhân nhỏ lẻ.
Không thể phủ nhận lực lượng lao động này có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; không chỉ là phát triển sản xuất mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh với hàng loạt dịch vụ thương mại khác như buôn bán hàng hóa, dịch vụ nhà trọ, y tế, giáo dục... cho hàng chục nghìn NLĐ. Đó là một nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đang lúng túng, chưa có quy hoạch cụ thể về nguồn lực lao động tại các KCN, CCN. Đến nay, NLĐ đa số di chuyển từ nông thôn ra thành thị, xin làm việc tại các KCN chủ yếu vẫn là tự phát với mong muốn kiếm được chút vốn rồi lại trở về quê, ít NLĐ có chí hướng rèn luyện để làm việc lâu dài tại các KCN, CCN. Với xuất phát điểm là quốc gia nông nghiệp, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp luôn là điểm yếu của NLĐ nước ta. Để khắc phục được điều đó, NLĐ cần phải nâng cao ý thức, tự giác rèn luyện tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu của các công ty.
Mới đây, chúng tôi có dịp được gặp một người con của quê hương Thái Nguyên lập nghiệp ở Đồng Nai, một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, có các KCN, CCN phát triển rất mạnh. Anh sinh ra và lớn lên tại xã Cát Nê huyện Đại Từ. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghiệp năm 2000, anh xung phong vào miền Nam công tác và quyết định lựa chọn Công ty Cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam, đứng chân tại huyện Trảng Bom (DN có 100% vốn đầu tư của Đài Loan) để cống hiến suốt 14 năm qua. Hiện, anh là Phó Bí thư Đảng bộ Khối Doanh nghiệp huyện Trảng Bom, Bí thư Chi bộ Đảng Công ty với 30 đảng viên, Chủ tịch Công đoàn kiêm Giám đốc chiến lược của Công ty với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trong thời gian làm việc tại Công ty, anh đã chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để học và sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung) và hiện đang hoàn chỉnh chương trình cao học. Tâm sự với chúng tôi, anh bộc bạch: Khi nghe tin tỉnh ta thu hút được nhiều DN đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, tôi cũng đã dành thời gian nghiên cứu để tìm cơ hội trở về quê hương cống hiến. Trước đây anh cũng đã mạnh dạn đưa một số NLĐ là anh em, bạn bè của tỉnh vào Đồng Nai làm việc, song do chưa chịu khó rèn luyện để theo kịp áp lực công việc ở các KCN nên cũng không thể ở lại làm việc. Anh muốn nhắn nhủ tới những người con quê hương hãy cố gắng học tập, rèn luyện đáp ứng nhu cầu về nguồn lực lao động chất lượng cao của thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế với nguồn lực đầu tư không chỉ là các DN trong nước mà còn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng, thế mạnh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hy vọng có thể tìm được một vị trí làm việc phù hợp để được cống hiến lâu dài, ổn định cuộc sống. Chia sẻ của anh là những kinh nghiệm rất đáng học tập cho lực lượng lao động của tỉnh hiện nay.