Phát triển chuỗi các dự án phụ trợ cho Samsung

10:07, 22/10/2014

Samsung có mặt ở Thái Nguyên chưa lâu, nhưng sức hút của thương hiệu này đã làm thay đổi rất nhiều diện mạo đầu tư của tỉnh. Việc hàng chục dự án phụ trợ cho Samsung đang triển khai đầu tư tại hai Khu công nghiệp của tỉnh (KCN) là Yên Bình I và Điềm Thụy đã chứng minh điều đó.

 Tập đoàn Samsung đã và đang triển khai đầu tư 3 dự án lớn với hàng tỷ USD tại KCN Yên Bình I là: Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên; Nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm điện tử của Công ty TNHH Hansol Technics Việt Nam; Nhà máy sản xuất và lắp ráp bảng mạch điện tử của Công ty TNHH Samsung Electro - Mechannics Việt Nam. Ngay sau khi Samsung đầu tư, lập tức tại KCN này có hai dự án phụ trợ của các nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai là Nhà máy Seung Woo Vina và Dự án xây nhà nhiều tầng Yên Bình. Hai dự án này đã thuê 12ha đất trong KCN để đầu tư với số vốn đăng k‎ý trên 30 triệu USD. Khi hoàn thành, hai dự án phụ trợ này, nhất là đối với Dự án nhà xưởng cao tầng sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Samsung. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Gyeongmin Engineering Việt Nam, chủ đầu tư Dự án nhà xưởng cao tầng thì tới đây sẽ có hàng chục doanh nghiệp phụ trợ khác đến thuê nhà xưởng của Công ty tại KCN để thực hiện việc sản xuất, lắp ráp và cung ứng các dịch vụ cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của Samsung.

 

Mặc dù nằm tách hẳn với vị trí mà Samsung đầu tư, nhưng KCN Điềm Thụy (Phú Bình) lại đang được xem là tâm điểm đầu tư của các dự án phụ trợ cho Samsung. Hiện, KCN này đang có tới 30 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm phụ trợ cho Samsung với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD. Theo thông tin từ Ban Quản ly các KCN tỉnh, đến nay đã có 4 dự án hoạt động, dự tính đến cuối năm nay sẽ có thêm 17 dự án khác khởi công và đi vào sản xuất ổn định trong năm 2015. Trong đó, đáng chú ý có Dự án đầu tư của Công ty TNHH Dong Yeon Industrial - Hàn Quốc với vốn đăng ký lên tới 267 triệu USD. Dự án gồm 3 tổ hợp nhà máy là: Nhà máy sản xuất màn hình cảm biến, Nhà máy sản xuất bản mạch tích hợp cho điện thoại di động và Nhà máy sản xuất nút nguồn, nút âm lượng, khe thẻ nhớ. Theo phân tích của các chuyên gia thì sức hút của Samsung là không thể phủ nhận, nhưng rõ ràng, khi một nhà đầu tư tên tuổi toàn cầu với số vốn đầu tư hàng tỷ USD thì đương nhiên đi theo nó phải có cả một chuỗi các doanh nghiệp "tiền hô hậu ủng". Bản thân Samsung cũng phải chuẩn bị cho mình một lực lượng các vệ tinh quan trọng như thế để phục vụ mục tiêu sản xuất với quy mô lớn của mình. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng muốn được làm phụ trợ cho Samsung để có cơ hội cùng phát triển.

 

Để đảm bảo điều kiện thu hút các doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung đầu tư vào tỉnh, thời gian qua tỉnh ta đã đã đẩy mạnh công tác quy hoạch các KCN, dành nhiều qũy đất cho phát triển công nghiệp, tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KCN và thực hiện các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư hợp lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Mạnh Cường, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết:   Ngoài KCN Yên Bình I, hiện tại tỉnh đang tập trung thu hút các dự án phụ trợ cho Samsung tại KCN Điềm Thụy. Nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, KCN này được quy hoạch với diện tích 350ha, giao cho hai nhà đầu tư hạ tầng đảm nhiệm mặt bằng gồm: Ban Quản lý các KCN tỉnh (180ha) và Công ty CP Đầu tư APEC (170ha). Hiện tại kinh phí giải ngân thực hiện hạ tầng đã đạt khoảng 500 tỷ đồng với các hạng mục gồm: đường trục chính vào KCN, đường nội bộ, hệ thống cấp điện sản xuất, điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước mưa, nước thải... Tất cả đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.

 

Trong một cuộc trao đổi với lãnh đạo tỉnh về thu hút đầu tư mới đây, ông Ichikawa, Giám đốc Công ty tư vấn IBC - Nhật Bản cho rằng, chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở các KCN của tỉnh là hoàn toàn phù hợp. Muốn phát triển công nghiệp địa phương thì quan trọng nhất là phải tạo ra năng lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp phụ trợ và muốn nuôi dưỡng ngành đó thì cần phải quan tâm đến thu hút các dự án sản xuất linh kiện điện tử và cơ khí chế tạo. Ông Ichikawa cũng cho biết, tỉnh Bắc Ninh, nơi Samsung có mặt đầu tiên, đã làm rất tốt điều này và thực tế sau nhiều năm triển khai, ngành công nghiệp phụ trợ của họ có bước phát triển vượt bậc. Thái Nguyên dù đi sau nhưng theo quan sát của chúng tôi, các bạn có xu hướng phát triển mạnh hơn.

 

Tại diễn đàn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, chủ đề về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đã được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm có chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển mạnh hơn, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hơn. Đây là điều đáng mừng bởi quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ chính là tạo điều kiện để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm, tạo đà cho ngành công nghiệp trong nước vượt lên, nhất là trong bối cảnh các dự án FDI đang gia tăng mạnh mẽ.