Mặc dù kết quả thu ngân sách của tỉnh trong 9 tháng của năm nay được đánh giá là khả quan, nhưng theo nhận định của các chuyên gia tài chính, trong những tháng cuối năm, công tác này sẽ gặp phải không ít khó khăn. Trong khi đó, Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho ngành Tài chính và Cục Thuế tỉnh tăng thu thêm 16% so với dự toán đầu năm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Cục Thuế tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp gì? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên.
P.V: Đồng chí có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn cơ bản của ngành Thuế Thái Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014?
Đ/c Phạm Văn Chức: Về thuận lợi, đầu tiên phải kể đến là ngành Thuế tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; sự phối hợp của các cấp, ngành địa phương. Cùng với đó là sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước của cộng đồng người nộp thuế. Ngoài ra, là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể cán bộ công chức ngành Thuế tỉnh trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác thuế.
Tuy nhiên, ngành Thuế cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do tác động của nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, nhất là với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có vốn ít, sức cạnh tranh thấp. Số DN tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động có xu hướng tăng. Tính đến ngày 30-9, trong khi cả tỉnh chỉ có 344 DN thành lập mới (giảm 8% so với cùng kỳ năm 2013) thì có đến 269 DN giải thể (tăng 18%) và 229 DN tạm nghỉ kinh doanh (tăng 22%) so với cùng kỳ năm 2013. Cùng với đó, việc thực hiện các chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo các Nghị quyết của Chính phủ cũng đã làm ảnh hưởng nhất định đến công tác thu ngân sách của tỉnh.
P.V: Được biết, trên cơ sở kết quả thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm, tỉnh đã giao cho Sở Tài chính và ngành Thuế tăng thu 16% so với dự toán đầu năm. Đây được xem là nhiệm vụ không hề đơn giản. Các giải pháp mà ngành Thuế đưa ra để thực hiện nhiệm vụ thu này là gì thưa ông?
Đ/c Phạm Văn Chức: Năm 2014, ngành Thuế được tỉnh giao thu 3.452 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, tổng thu trên địa bàn ước đạt 2.939 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch (KH) năm, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù kết quả thu những tháng qua đạt được khá cao nhưng trên thực tế số thu này lại không bền vững vào những tháng cuối năm và năm 2015, do trong quý IV, một số khoản thu lớn có được trong những tháng đầu năm sẽ không còn, hoặc còn rất ít. Cụ thể là đối với các sắc thuế: DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng thu được 300 tỷ đồng, bằng 210% KH năm; thuế thu nhập cá nhân được 238 tỷ đồng, bằng 92% KH năm; tiền thuê đất 190 tỷ đồng, bằng 513% KH năm; thuế sử dụng đất 533 tỷ đồng, bằng 133% KH năm. Trong quý IV, các khoản thu này sẽ còn không đáng kể do một số dự án lớn trên địa bàn như SamSung, Núi Pháo đã khánh thành, do đó thuế từ các nhà thầu cũng như thuế thu nhập cá nhân của các chuyên gia nước ngoài sẽ rất ít. Trong khi đó, các nguồn thu nội địa của tỉnh lại gặp nhiều khó khăn. Trong 9 tháng, thu thuế DN trung ương mới được 528 tỷ đồng, bằng 59% KH năm; thuế DN địa phương được 38 tỷ đồng, bằng 62% KH; thuế ngoài quốc doanh được 700 tỷ đồng, bằng 65% KH; phí và lệ phí trước bạ được 89 tỷ đồng, bằng 59% KH.
Trước những khó khăn này, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm, Cục Thuế đang đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chỉ đạo quyết liệt đến từng phòng thu, các Chi cục thuế và cụ thể hóa theo từng tháng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, của mỗi cán bộ theo quy định; quản lý chặt chẽ nguồn thu. Đồng thời xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để có biện pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp cùng vào cuộc thực hiện. Cùng với đó là tăng cường công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp quản lý nợ đối với người nộp thuế. Ở tỉnh, đã thành lập 2 đoàn công tác chống thất thu thuế và ở 9 huyện, thành, thị cũng đều đã thành lập đoàn công tác này để đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, trong đó tập trung đối với các DN trọng điểm, có dấu hiệu rủi ro lớn, nhiều năm chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra, được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế... Những DN vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật.
PV. Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XII, ngành Thuế cho biết có hàng chục DN có số nợ thuế lớn, trong đó có những DN nợ tới vài chục tỷ đồng trong nhiều năm. Ngành Thuế đã, đang giải quyết tình trạng nợ đọng này như thế nào?
Đ/c Phạm Văn Chức: Tính đến ngày 30-9, nợ thuế của các DN trên địa bàn tỉnh là gần 290 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,7% trên tổng thu ngân sách toàn tỉnh, trong đó có hơn 40 DN được ngành Thuế liệt vào danh sách “trọng điểm” bởi có số nợ thuế lớn (trên 3 tỷ đồng) và trong tình trạng khó đòi. Để chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, ngành Thuế đã và đang thực hiện động bộ nhiều giải pháp để xử lý tình trạng nợ này. Cụ thể, trong 9 tháng qua, ngành đã ra thông báo gửi 128 đơn vị sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế; phát hành 3.725 lượt thông báo số tiền nợ thuế và chậm nộp đến các tổ chức, cá nhân; ra quyết định cưỡng chế và trích tiền từ tài khoản 175 trường hợp; ra quyết định đình chỉ sử dụng hóa đơn 13 đơn vị… Với những biện pháp được cho là khá mạnh tay, ngành Thuế phấn đấu đến cuối năm, số nợ thuế của các DN sẽ ở con số dưới 5% trên tổng thu ngân sách.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!