Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, kết quả thực hiện thu ngân sách 9 tháng đạt 81,3% dự toán, trong đó thu nội địa phản ánh sức khỏe nền kinh tế, đạt 79% so dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ. So với tiến độ thu 2 năm 2012-201313 thì năm nay là khá. “Với tình hình thu như vậy, khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán 2014 là 9%” – Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Kết quả này, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, một phần do kinh tế bắt đầu phục hồi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay tăng hơn so năm ngoái. Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự báo năm nay có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%.
Năm 2014 do không bố trí được nguồn nên không tăng lương. Liệu năm 2015, với mức tăng thu như vậy, Bộ Tài chính có bố trí được nguồn cho tăng lương? Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay: Mức vượt này sẽ dùng để bù kinh phí thực hiện an sinh xã hội mà ngân sách đầu năm chưa bổ sung kinh phí.
“Do ngân sách những năm gần đây khó khăn nên chưa bố trí đủ vốn cho an sinh xã hội. Do đó, để tăng thêm sẽ cần đến nguồn bổ sung này và sẽ dành một phần tăng chi để trả nợ. Những năm gần đây, nợ công tăng, ngân sách dành trả nợ tăng theo. Dự toán hết sức khó khăn, do đó nếu vượt thu thì sẽ gióp phần tăng chi trả nợ, góp phần lành mạnh tình hình ngân sách” – Bà Vũ Thị Mai nói.
Ngoài ra, còn một phần nữa xử lý nợ hoàn thuế giá trị gia tăng mà trước vẫn tạm ứng và còn một số nhu cầu cấp bách khác. “Phần vượt thu chưa đủ để trang trải nhưng góp phần cân đối ngân sách tốt hơn”, thứ trưởng khẳng định.
Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo, ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.
“Ngân sách năm 2015 sẽ ưu tiên chi cho quốc phòng an ninh để giữ vững chủ quyền và tăng chi trả nợ”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp, tăng lương cơ bản sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách lớn nên cần cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Nhưng nếu không tăng lương sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chung của người lao động, những người làm công ăn lương.
Cơ cấu chi ngân sách hiện nay dành đến 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển. Nói về cơ cấu này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Rất xấu” và yêu cầu phải trở lại cơ cấu chi ngân sách 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư và 20% chi trả nợ, tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 57,26 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu 9 tháng đạt 636 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 85,41 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 9 tháng ước đạt 768 nghìn tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013./.