Để chủ động giống nấm gốc trong sản xuất các loại giống nấm thương phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nấm của người dân trên địa bàn tỉnh, năm 2012, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ) đã lập Dự án “Ứng dụng KHCN phân lập giống nấm phục vụ phát triển sản xuất nấm tại tỉnh Thái Nguyên”. Thành công của dự án góp phần hiệu quả vào việc chủ động nguồn cung cấp các giống nấm, phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh phục vụ tốt Đề án tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm tỉnh giai đoạn 2010-2015.
Trao đổi với Th.s Nguyễn Quang Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm - Chủ nhiệm Dự án, chúng tôi được biết: Từ năm 2006, Trung tâm đã làm chủ công nghệ nhân giống nấm cấp 1-2-3 tại Thái Nguyên. Nhưng nguồn giống gốc để tiến hành nhân giống phụ thuộc nhiều vào đơn vị cung cấp ở Hà Nội do vậy rất bị động trong việc sản xuất giống nấm thương phẩm. Việc làm chủ công nghệ tạo giống gốc giúp sẽ giúp cho việc chủ động sản xuất và cung cấp các loại giống nấm thương phẩm ra thị trường. Trước những yêu cầu của nhiệm vụ ứng dụng và chuyển giao KH&CN, tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm đã nỗ lực để làm chủ một số công nghệ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật, các hoạt động sự nghiệp công ích phục vụ công tác quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Điểm nổi bật nhất là hoạt động ứng dụng và chuyển giao KH&CN. Trung tâm tập trung vào việc ứng dụng và chuyển giao các thành tựu của công nghệ sinh học, các tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu là Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ phân lập giống nấm” (tạo giống nấm gốc) phục vụ phát triển sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh. Thực hiện dự án các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tiếp nhận công nghệ và tiến hành phân lập, sản xuất thử nghiệm giống nấm các cấp từ giống gốc được phân lập. Phương pháp được dùng phổ biến nhất trong quá trình tạo giống gốc là phân lập từ quả thể nấm. Sử dụng phương pháp này có ưu điểm là bảo tồn được các đặc tính ưu việt của nấm về năng suất, chất lượng. Thời gian nuôi cấy nhanh, tương đối chủ động về nguồn gen và có thể chọn lựa những giống nấm năng suất, chất lượng để đưa vào phân lập giống gốc. Đối với mỗi loại giống nấm khác nhau, có cách làm riêng để có thể tạo ra giống nấm gốc tốt nhất. Trung tâm đã tiến hành sử dụng phương pháp này phân lập các giống gốc như: Nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ và nấm Linh chi…
Chúng tôi đến gia đình bác Nguyễn Văn Tòng, ở tổ 13, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên - một trong những hộ được Trung tâm hỗ trợ giống nấm sản xuất từ giống gốc do đơn vị phân lập. Dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng nấm, chỉ vào những bịch nấm sò đang bắt đầu cho thu hoạch, bác Tòng nói: Ngày nào cũng vậy, 3h sáng vợ chồng tôi bắt đầu thu hoạch nấm. Trung bình mỗi ngày hái được khoảng 40-50kg, giá bán trung bình từ 30-35 nghìn đồng/kg. Về đầu ra của sản phẩm chúng tôi không lo vì nấm có đến đâu các hộ kinh doanh đầu mối ở chợ thành phố thu gom hết đến đó. Ngoài 2 vạn bịch nấm sò, gia đình tôi còn trồng 7.000 bịch nấm Linh chi. Một năm nấm Linh chi nuôi trồng 2 đợt, mỗi đợt cho thu từ 2-3 lần, mỗi lần được trên 1 tạ nấm khô, trừ chi phí một năm từ nuôi trồng nấm gia đình tôi bỏ ra được khoảng 300 triệu đồng. Tôi rất mừng là Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã phân lập thành công giống nấm gốc để sản xuất giống nấm các loại cung cấp cho bà con. Gia đình tôi được Trung tâm hỗ trợ 4 tạ giống nấm. Qua trồng đối chứng với giống nấm gia đình tôi mua của Viện Di truyền nông nghiệp, tôi thấy giống của Trung tâm chất lượng tương đương. Từ đầu năm đến giờ tôi làm trên 2 tạ giống, thì chỉ hỏng khoảng 500 bịch (tương đương 5kg giống nấm). Tôi cho rằng nguyên nhân không phải do giống nấm, mà là do trong quá trình làm có thể chúng tôi chưa thực hiện đầy đủ đúng quy trình hướng dẫn.
Rời nhà bác Tòng, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của gia đình bác Chu Đức Lợi, xóm Đồng Bẩm, xã Đồng Bẩm T.P Thái Nguyên. Gia đình bác Lợi cũng là một trong những hộ có quy mô sản xuất nấm lớn của tỉnh. Hiện bác đang trồng 50 nghìn bịch nấm sò. Được biết, năm 2014 gia đình bác được Trung tâm hỗ trợ 5 tạ giống nấm và chuyển giao công nghệ. Theo bác Lợi nếu mua giống nấm tại Viện Di truyền nông nghiệp, công vận chuyển mỗi bịch nấm từ Hà Nội lên Thái Nguyên chi phí tăng thêm 2.000 đồng. Bác Lợi cho rằng: Việc Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ phân lập thành công giống nấm gốc ngoài góp phần chủ động về nguồn giống nấm, cái lợi lớn nhất cho những người trồng nấm là chi phí vận chuyển sẽ giảm rất nhiều, nâng cao thu nhập cho người trồng nấm.
Được biết, sau hơn 1 năm thực hiện dự án, Trung tâm đã sản xuất được gần 3 tấn giống thương phẩm từ giống gốc Trung tâm phân lập phục vụ nuôi trồng thử nghiệm tại Trung tâm và 5 mô hình khác.
Việc phân lập thành công giống nấm gốc của Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ góp phần hiệu quả vào việc chủ động nguồn cung cấp về các giống nấm cho việc phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh. Dự án góp phần hoàn thành mục tiêu của đề án nấm của tỉnh, đồng thời phân lập giống nấm chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả và đời sống người trồng nấm, sử dụng có hiệu quả các phụ phẩm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thu hút lao động nhàn rỗi, tạo ra thực phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.