Thực hiện tốt các chương trình, dự án, nâng cao đời sống đồng bào

09:38, 17/10/2014

Định Hóa là huyện miền núi cách tỉnh lỵ 50km hướng về phía Tây Bắc, có tổng diện tích đất tự nhiên trên 52 nghìn ha (trong đó rừng núi chiếm 85% diện tích), với dân số hơn 88 nghìn người. Huyện có 23 xã và 1 thị trấn, 435 thôn, xóm, bản, 14 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Tày, Kinh, Nùng, Hoa, Sán Chay, Thái, Mường, Dao, Mông, Sán Dìu, H'rê, Vân Kiều, Pà Thẻn, Giáy, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 70,13%.

Những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc được huyện quan tâm, triển khai thực hiện đạt hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo và bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, thông qua Chương trình 135, từ năm 2011 đến năm 2013, huyện đã tập trung, huy động trên 68,1 tỷ đồng đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 132 công trình và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, hỗ trợ dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân... Huyện cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp nhận và triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về công tác xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, sát với thực tế của từng địa phương. Các nguồn lực đầu tư được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo của huyện.

 

Cùng với đó, Đảng bộ huyện còn tiếp tục triển khai, ban hành 2 chương trình, 10 đề án và 11 kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2010-2015, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo huyện Định Hóa giai đoạn 2011-2015; Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ huyện Định Hoá, giai đoạn 2011 - 2015; Đề án sản xuất, chế biến lúa hàng hoá chất lượng cao huyện Định Hoá, giai đoạn 2011 - 2015; Đề án phát triển chăn nuôi - thuỷ sản huyện Định Hoá, giai đoạn 2011-2015; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Định Hoá đến năm 2020... Qua đó, kinh tế - xã hội của huyện đã thu được những kết quả khá vững chắc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 12,2%. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 9,86 triệu đồng (năm 2009) lên khoảng 19,5 triệu đồng (năm 2014). Thu ngân sách trong cân đối của huyện tăng dần theo từng năm: năm 2009 đạt 11,951 tỷ đồng, đến năm 2013 đạt 28 tỷ đồng, năm 2014 ước đạt 30 tỷ đồng. Nếu như năm 2009, giá trị thu nhập trên 1ha đất nông nghiệp mới chỉ đạt 43 triệu đồng thì đến năm 2013, con số đó đã là 69 triệu đồng (dự ước năm 2014 đạt 73 triệu đồng). Tổng sản lượng lương thực có hạt cũng tăng lên từ 42.548,3 tấn (năm 2009) lên khoảng 50.450 tấn (ước đạt năm 2014). Mô hình chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hộ gia đình ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa...

 

Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đã tạo được "luồng gió mới", có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện nhiệt tình tham gia, ủng hộ phong trào "Định Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới" với việc tích cực đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình là người dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng như: bà Triệu Ngọc, dân tộc Dao, ở xóm Đồng Dọ (Phúc Chu); ông Sằm Văn Long, dân tộc Nùng ở xóm Nà Khao (Trung Hội); ông Bàng Văn May, dân tộc Cao Lan, ở Bản Giáo 3 (Sơn Phú); ông Nình Văn Sáu dân tộc Tày xóm Gốc Thông (Định Biên); ông Lý Ngọc Vàng, dân tộc San Chay, Trưởng thôn Bồ Kết, xã Đồng Thịnh. Đến nay, huyện đã có 2 xã điểm đạt 14 tiêu chí (Phượng Tiến và Đồng Thịnh), 7 xã đạt từ 9 đến 12 tiêu chí, 14 xã đạt 6 đến 8 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

Có được kết quả này là do huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; khơi dậy truyền thống cần cù sáng tạo của mỗi dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; phát huy vai trò của Ban Giám sát cộng đồng, những người có uy tín trong cộng đồng, vai trò của các già làng, trưởng bản, phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, thực hiện tốt các quy định của địa phương cùng với đó; việc triển khai các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư tại vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn đều phải xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng thực tế của nhân dân, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch...

 

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ Nhất, 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, kinh tế - xã hội của Định Hóa đã có những bước chuyển biến tích cực. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đầu tư trên địa bàn huyện đem lại hiệu quả đã góp phần làm tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, làm thay đổi diện mạo các vùng khó khăn.