Sáng 13-10, tại Ban Quản lý rừng Phòng hộ Núi Cốc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Triển khai phương án phát triển bền vững rừng phòng hộ môi trường hồ Núi Cốc có sự tham gia của người dân. Tới dự có các đồng chí: Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Dương Văn Lành, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh...
Trước thực trạng quản lý, bảo vệ phát triển rừng phòng hộ hồ Núi Cốc gặp nhiều khó khăn, người dân trồng rừng (cây keo ở cấp độ tuổi III, IV, V) nhưng không được khai thác nên nhiều diện tích cây keo đã bị rỗng ruột, khô héo, sâu đục thân, gẫy đổ. Vì vậy, người dân kiến nghị muốn khai thác để thay thế loại cây trồng khác đem lại lợi ích lâu dài hơn. Qua khảo sát, nghiên cứu và ý kiến của người dân, Chi cục Kiểm lâm đã đề xuất phương án thay đổi loại rừng trồng chủ yếu hiện nay là cây keo bằng các loại cây bản địa (Trám trắng, Trám Đen, Sấu…) từ năm 2015 đến 2020. Như vậy, vừa bảo vệ được cảnh quan, diện tích rừng phòng hộ hồ Núi Cốc vừa đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân. Việc gắn bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc với lợi ích của người dân thì sẽ đảm bảo được lợi ích lâu dài, bền vững cho Khu du lịch trọng điểm hồ Núi Cốc.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đặng Viết Thuần đánh giá cao sáng kiến của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, đồng thời nhất mạnh việc Nhà nước quản lý rừng phòng hộ là cần thiết để có định hướng phát triển tổng thể, phù hợp với định hướng chung. Tuy nhiên, để thực hiện được phương án này, các địa phương cần xem xét cụ thể nguyện vọng của nhân đề trồng các cậy phù hợp với lợi ích kinh tế gắn với phát triển bền vững rừng phòng hộ môi trường hồ Núi Cốc. Lực lượng Kiểm lâm phải giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện phương án, triển khai để đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.