Tính đến thời điểm này, xã La Bằng là địa phương thứ hai sau xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn) của huyện Đại Từ đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân các dân tộc trong xã. Bởi La Bằng là một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống dựa vào cây chè, cây lúa; năm 2010, xã mới đạt 7/19 tiêu chí; năm 2011, số hộ nghèo của xã vẫn còn tới 16,8%...
Đến xã La Bằng mùa này, nắng thu vàng trải rộng trên những nương chè xanh ngút ngát, xa xa là dãy núi Tam Đảo hùng vĩ như bức thành trì vững chắc bao bọc lấy xóm, làng, tạo nên bức tranh quê thanh bình, yên ả. Chúng tôi đi trên những cung đường bê tông phẳng phiu để đến thăm quan các xóm Lau Sau, Đồng Tiến, Đồng Đình, Rừng Vần…; nhiều ngôi nhà xây mái bằng, mái ngói, nhà cao tầng đã thay thế những ngôi nhà tranh, vách đất; nhà văn hóa các xóm được xây dựng khang trang; một số xóm còn xây dựng được sân chơi thể thao đạt chuẩn, thu hút đông đảo người dân đến chơi cầu lông, bóng chuyền, bóng đá… sau những giờ lao động vất vả trên nương chè, đồng ruộng…
Chợ là một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Theo quan niệm của nhiều người, chợ không chỉ phản ánh kinh tế của một địa phương mà còn là bộ mặt văn hóa xã hội của vùng đó nữa. Chợ là hồn của một vùng đất, một chợ có sản vật phong phú, người đi chợ quần áo tươm tất đàng hoàng, giọng nói dịu dàng hay khoáng đạt, nhất định kinh tế vùng ấy phong túc, con người cởi mở, có đời sống văn hóa cao… Chợ La Bằng có diện tích gần 3.500m2, gồm 2 nhà đình với diện tích 360m2 và nhiều gian hàng nhỏ. Chợ phiên La Bằng nhộn nhịp kẻ bán người mua nhưng không xô bồ, hỗn độn, các gian hàng, quầy quán được bố trí khá khoa học, các mặt hàng được bày bán phong phú, đa dạng từ những sản phẩm nông sản, may mặc đến các đồ gia dụng hiện đại...
Bà Nguyễn Thị Loan, một người nội trợ chúng tôi gặp ở chợ phiên La Bằng cho biết: Trước kia, có nhiều mặt hàng, nếu muốn mua, tôi phải nhờ con cháu đưa xuống chợ thị trấn hoặc tận chợ Thái mới mua được, nhưng nay đi chợ La Bằng là có thể sắm đủ. Quê hương ngày càng phát triển, đổi mới, người dân chúng tôi phấn khởi, sẵn sàng chung sức, chung lòng, đóng góp tiền của cùng Nhà nước, địa phương xây dựng NTM. Chợ La Bằng không chỉ đáp ứng nhu cầu giao lưu, mua bán của người dân trong xã mà còn cả một số địa phương lân cận.
Không chỉ đạt chuẩn về tiêu chí chợ, các tiêu chí còn lại như quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… xã La Bằng đều đã đạt tiêu chuẩn NTM. Một trong những tiêu chí được xem là khó thực hiện ở nhiều xã là môi trường thì xã La Bằng đã thực hiện tiêu chí này rất tốt. Hiện nay, 100% số hộ dân ở La Bằng đều được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất kinh doanh, hàng quán trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường; các nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch (trên địa bàn có một nghĩa trang liệt sĩ và 7 nghĩa trang nhân dân); các chất thải, nước thải được thu gom, xử lý đúng quy trình, quy định về môi trường…
Để giải quyết triệt để vấn đề về môi trường, xã La Bằng còn thành lập Ban Chỉ đạo vệ sinh môi trường và thành lập 2 tổ thu gom rác thải. Môi trường thoáng, sạch, trong lành, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, giúp họ hăng say trong lao động sản xuất để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống. Mức thu nhập bình quân của người dân La Bằng đã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm; hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,68%. Nhờ đó, người dân La Bằng đã có điều kiện đóng góp công sức, tiền của cùng với Nhà nước, địa phương xây dựng NTM. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010-2014, số tiền huy động người dân đóng góp đã lên tới gần 5,6 tỉ đồng; hiến gần 44 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi…
Có được thành công này, đồng chí Nguyễn Ngọc Thép, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho rằng: Chúng tôi đã kế thừa và phát huy rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng NTM, trong đó có bài học xuyên suốt đó là làm việc gì dù lớn, dù nhỏ thì cũng phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân góp, dân hưởng thụ”. Đồng thời, chúng tôi tập trung quyết liệt để thực hiện các tiêu chí khó và thiết thực với người dân, nhất là nhóm tiêu chí nâng cao đời sống của dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho dân, vừa nuôi dưỡng sức dân, vừa được lòng dân. Từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân - đây được xem là nhân tố quyết định dẫn đến thành công trong xây dựng NTM ở La Bằng. Bên cạnh các yếu tố đó, Đảng bộ xã đoàn kết, quyết tâm, trong sạch, vững mạnh; cán bộ gương mẫu trước nhân dân. Xây dựng NTM là cả quá trình dài, tổng hòa nhiều mối quan hệ và chưa có tiền lệ. Do đó, chúng tôi xác định cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để có lực lượng chuyên sâu. Trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, vừa gắn với những đặc điểm, tình cảm của người dân địa phượng; vận dụng tốt các quy định của cấp trên, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá các tiêu chí…
Đạt được đã khó, giữ vững được các tiêu chí NTM còn khó hơn - hiểu được điều đó nên các đồng chí lãnh đạo xã La Bằng xác định: Trong thời gian tiếp theo, xã tiếp tục khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, trong đó tập trung đầu tư phát triển cây chè, giữ vững nhãn hiệu tập thể chè La Bằng (đã được công nhận); quản lý, phát huy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của 10 làng nghề chè truyền thống nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; thu hút các nguồn vốn đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương như du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm cho lao động địa phương; vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường…
Chúng tôi chia tay cán bộ, người dân La Bằng khi mặt trời bắt đầu xuống núi. Một ngày với vùng quê cách mạng chưa thể cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp ở nơi đây. Nhưng những gì chúng tôi đã được mắt thấy, tai nghe thì đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng - Một miền quê đang từng ngày đổi mới, nơi có những con người hiền hòa, nhân hậu, cần cù lao động, không ngừng nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương phồn thịnh...