Xung quanh vấn đề quản lý rừng phòng hộ ở Phú Lương

10:32, 15/10/2014

Thực hiện Chương trình trồng rừng theo Dự án 661 của Chính phủ, huyện Phú Lương hiện có trên 3.500ha rừng phòng hộ, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi Dự 661 kết thúc (năm 2010), đến thời điểm này, việc quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập…

Diện tích rừng phòng hộ của huyện Phú Lương tập trung ở 6 xã là: Ôn Lương, Phú Đô, Yên Ninh, Phủ Lý, Yên Lạc và Hợp Thành. Trong tổng số trên 3.500ha rừng phòng hộ thì diện tích rừng trồng chiếm đa số, khoảng 2.400ha. Thực hiện trồng rừng theo Dự án 661, người dân được hỗ trợ giống cây (keo lai), phân bón và tiền công chăm sóc theo quy định của Nhà nước. Đến thời điểm này, phần lớn diện tích rừng trồng đã đủ điều kiện khai thác dưới 20% diện tích. Tuy nhiên, theo nhiều người dân trồng rừng trên địa bàn huyện phản ánh, hiện nay, với những diện tích keo từ 9-10 năm tuổi đang có dấu hiệu bị rỗng giữa thân cây. Ông Vũ Văn Đốn, xóm Làng Muông, xã Yên Ninh cho biết: Gia đình tôi có 4ha rừng phòng hộ, nay cây keo đã được 10 tuổi và khi gia đình tôi kiểm tra, lõi keo đã rỗng với đường kính khoảng hơn 1cm. Nếu để quá tuổi khai thác, tôi nghĩ cây sẽ chết và giá trị sử dụng không cao.

 

Được biết, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ của huyện đều là keo lai. Theo phân tích của ông Ngô Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương thì việc đưa giống keo vào trồng rừng phòng hộ là chưa hợp lý bởi đây là giống cây có tuổi khai thác từ 7-10 năm. Nếu quá độ tuổi ấy, lõi keo sẽ bị xốp và rỗng giữa, dần dần bị khô và chết. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì với rừng phòng hộ sẽ được phép khai thác tỉa thưa không quá 20% diện tích mỗi năm và phải trồng bù diện tích đã khai thác ngay trong vụ kế tiếp. Đây là quy định phù hợp bởi nếu khai thác quá tỷ lệ, rừng sẽ mất đi giá trị phòng hộ (giữ nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái...). Tuy nhiên, nếu mỗi năm khai thác 20% diện tích và sau 5 năm mới khai thác hết 100% diện tích cây trồng ban đầu thì sẽ có nhiều diện tích keo quá tuổi, hiệu quả sử dụng thấp. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là đang có sự bất hợp lý giữa quy định và thực tế (!?).

 

Cùng với đó, người trồng rừng phòng hộ ở Phú Lương cũng đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục khai thác. Theo quy định, chủ rừng muốn xin cấp phép khai thác tỉa thưa rừng phòng hộ sẽ phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, gồm: Tờ trình đề nghị, phương án khai thác, hệ thống bản đồ kèm theo… Sau khi được chính quyền cấp xã xác nhận, họ sẽ phải trình hồ sơ lên UBND huyện để xin phê duyệt, tiếp đó là nộp hồ sơ về Sở Nông nghiệp và PTNT cấp phép khai thác. Theo nhiều người dân, với quy trình, thủ tục này họ phải mất rất nhiều thời gian, công sức trước khi được phép khai thác, nhất là đối với hộ có diện tích rừng trồng ít, tỉ lệ khai thác nhỏ.

 

Gia đình anh Hoàng Văn Nhính, xóm Na Sàng, xã Phú Đô có 5ha rừng trồng theo Dự án 661. Các diện tích được trồng lần lượt theo các năm 2005, 2007 và 2008. Đến nay, rừng keo do gia đình anh trồng đã được từ 6 đến 9 tuổi. Anh Nhính cho biết: Gần đây, tôi có làm thủ tục xin cấp phép tỉa thưa 20% diện tích của 3ha rừng đã đến tuổi khai thác. Sau khi làm các thủ tục từ xã lên huyện và chuyển về Sở Nông nghiệp và PTNT thì được thông báo là phải bổ sung thêm hồ sơ. Có điều khiến tôi thắc mắc là trong 3 đợt trồng rừng, gia đình tôi chỉ được cấp 1 bộ hồ sơ trồng rừng vào năm 2008. Do vậy, hồ sơ khai thác của gia đình tôi vẫn bị treo mà không biết phải làm thế  nào...

 

Yên Ninh là xã có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất huyện Phú Lương với trên 1.100ha (trong đó có khoảng gần 700ha là diện tích rừng trồng). Cách đây chưa đầy 3 tháng, trên địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ khai thác trái phép rừng phòng hộ. Ông Trần Chiến Công, Phó Ban Lâm nghiệp xã Yên Ninh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc 2 hộ dân khai thác rừng phòng hộ vượt quá quy định cho phép phần là do bà con chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của rừng phòng hộ, phần là do diện tích rừng trồng của 2 hộ đó ít (mỗi hộ chỉ có khoảng 0,15-0,2ha) trong khi đó thủ tục khai thác mất nhiều thời gian nên họ có tư tưởng “ngại” khi phải đi xin cấp phép.

 

Bên cạnh những tồn tại trên cũng phải đề cập đến thực trạng diện tích quy hoạch rừng phòng hộ còn lẫn diện tích đất canh tác nông nghiệp, thổ cư nằm xen kẽ; có những diện tích rừng phòng hộ người dân phải tự bỏ chi phí. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có cơ chế, chính sách hợp lý hơn nữa trong việc quy hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác rừng phòng hộ. Đây là vấn đề đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng quan tâm, rà soát và đề xuất những phương án giải quyết phù hợp, nhằm giúp bà con trồng rừng phòng hộ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và bảo vệ rừng.