Chiều 20-11, tin từ một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà ô-long xuất khẩu tại Lâm Đồng cho biết, khoảng 70 container chè thành phẩm của Việt Nam bị “tắc” tại cửa khẩu Đài Loan (Trung Quốc), đã được cơ quan chức năng sở tại cho thông quan bình thường.
Bà Hà Thúy Linh, giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu trà ô-long (Cầu Đất, Xuân Trường, TP Đà Lạt), cho hay, có bốn container chè của công ty bán cho khách hàng (trong đó có 11 tấn chè ô-long, trị giá hơn hai tỷ đồng của Hà Linh) đã được thông quan. Tuy nhiên, khách hàng vẫn còn tâm lý “e ngại”, sau thông tin thất thiệt về “chè Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm đi-ô-xin” của nhiều cơ quan truyền thông Đài Loan.
Cũng theo bà Linh, trong quá trình kiểm tra rất khắt khe đối với sản phẩm trà nhập khẩu, cơ quan chức năng Đài Loan đã phát hiện và “ách” bốn container trà thành phẩm của Trung Quốc, với kịch bản cũ, nhập sang Việt Nam để nhập nhèm xuất xứ, sau đó xuất sang thị trường Đài Loan.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, phía Đài Loan vẫn mong muốn có sự tham dự của đại diện chính quyền tỉnh Lâm Đồng, trong cuộc họp báo - dự kiến tổ chức vào tháng 12 này, để thông tin minh bạch về vùng sản xuất trà, khẳng định chất lượng sản phẩm trà Việt Nam…
Vừa qua, nhiều tờ báo tại Đài Loan đưa tin thất thiệt về: “Chè Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm đi-ô-xin”, đồng thời khuyến cáo người dân Đài Loan không sử dụng các sản phẩm của Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và uy tín ngành chè Việt Nam.
Trước vụ việc trên, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản bác bỏ thông tin thiếu cơ sở này. Đồng thời khẳng định, sản phẩm chè của địa phương luôn bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong hơn 30 năm qua, mặt hàng chè Lâm Đồng đã xuất khẩu sang nhiều thị trường "khó tính”, có đánh giá khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, như: Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Singapore, châu Mỹ và các nước EU…