Cần giải pháp tổng thể để xử lý nợ công

08:09, 30/11/2014

Nợ công là “căn bệnh” mà gần như các quốc gia nào trong quá trình phát triển nền kinh tế đều mắc phải. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, áp lực nợ công vẫn rất đáng lo ngại.

Cơ cấu lại nợ

 

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nợ công Việt Nam đang tăng nhanh, cả về số tuyệt đối lẫn tương đối khi so với GDP. Để có khả năng trả nợ thì chúng ta phải sử dụng nợ đó một cách hiệu quả. Mặc dù hầu hết các khoản nợ là vay nước ngoài với lãi suất rất thấp, thời gian ân hạn rất dài, nhưng hiện chúng ta đang bắt đầu phải trả nợ. Bởi vì các khoản nợ này bắt đầu từ những năm 1993 - 1995 và đến nay được 20 năm, tức là bắt đầu thời gian phải trả nợ gốc.

 

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, để giảm áp lực nợ công điều quan trọng là cần cơ cấu lại nợ. Bởi theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng vẫn chưa thực sự bền vững, các khoản vay trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn, trong khi kỳ hạn còn lại của các khoản vay nước ngoài của Chính phủ trung bình là 12,8 năm. Vì vậy, nợ trong nước chỉ trung bình khoảng 4,3 năm, riêng trái phiếu Chính phủ 2,6 năm, làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ trong ngắn hạn.

 

Vì vậy, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, cần cơ cấu lại nợ theo hướng: Cơ cấu lại chủ nợ; cơ cấu lại kỳ hạn vay; cơ cấu lại lãi suất và cơ cấu lại đồng tiền. Theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách của Quốc hội, cần phải cơ cấu lại các khoản vay theo hướng vay những khoản dài hạn hơn, có lãi suất thấp hơn để đảo nợ thay cho những khoản mà chúng ta đang vay ngắn hạn và với lãi suất cao. Nếu thực hiện được điều này trước mắt sẽ giảm được áp lực trả nợ từng năm.

 

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GDP

 

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu giảm dần nợ công đến năm 2020 của Việt Nam còn khoảng 60,2%. Đây được coi là mục tiêu khó nhưng cần phải đạt được.

 

Theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, ngoài các yếu tố khách quan, khả năng đạt được mục tiêu trên phụ thuộc rất lớn vào các nỗ lực cải cách của Chính phủ. Trong một nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn đã đưa ra một số dự báo về xu hướng nợ công của Việt Nam. Theo đó, hầu hết các kịch bản đều cho thấy từ nay đến năm 2020, nợ công của Việt Nam vẫn còn xu hướng tăng lên. Nợ công vào những năm gần 2020 có thể giảm xuống theo một kịch bản thách thức nhất, đó là Chính phủ phải tạo ra được tăng trưởng kinh tế rất cao từ 8 - 9%/năm và nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách mỗi năm từ 0,5 - 1,0 điểm phần trăm. Rõ ràng đây là thách thức không nhỏ để Chính phủ có thể đạt được mục tiêu của mình.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ dự kiến đến năm 2015 nợ công của Việt Nam là 64% trong khi bội chi ngân sách vẫn ở mức 4%, nghĩa là chúng ta vẫn phải đi vay 4% để trả nợ, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực đến mục tiêu nợ công.

 

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng nợ công được tính theo GDP, do vậy để giải quyết nợ công cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GDP để thu hẹp tỷ lệ nợ công trong GDP. Nhưng vấn đề ở chỗ để tăng được GDP thì phải tăng tỷ lệ đầu tư, điều này có thể tác động đến nợ công (nợ công có thể tăng lên). Đây là một bài toán đầy mâu thuẫn mà Chính phủ cần phải giải quyết.

 

“Vấn đề quan trọng hơn đối với Việt Nam lúc này là cần phải làm rõ thắc mắc vì sao mọi giải pháp về nợ công đều đã có mà vẫn không thực hiện được? Vấn đề trước mắt của chúng ta hiện nay là cần phải xây dựng lại cơ chế khuyến khích, thiết kế lại hệ thống động lực làm việc cho mọi người, đặc biệt là những cán bộ công chức, những người làm trong khu vực công của chúng ta,” Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.