Những tháng cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm yếu; đây cũng là thời điểm hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra sôi động nên dịch bệnh rất dễ xảy ra. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi.
Chị Trần Thị Ngà, chủ trang trại gà ở xóm Tân Phong, xã Cao Ngạn cho biết: Sau 15 ngày để trống chuồng làm vệ sinh, gia đình tôi vừa thả lứa gà mới với quy mô gần 8 nghìn con. Hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, gia đình tôi đã đầu tư bếp than, đèn ga để sưởi ấm cho gà. Ngoài ra, tôi cũng giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng tiêu độc và cho gà uống vắcxin đầy đủ. Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên nhiều năm nay, trang trại chăn nuôi gà của gia đình tôi luôn phát triển tốt. Với diện tích 960m2, mỗi lứa tôi thả trên 16 nghìn con gà lông trắng, một năm xuất bán được từ 45-50 tấn gà thịt, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Còn chị Trương Thị Hoà, chủ trang trại lợn ở xóm Thác Lở, xã Cao Ngạn thì cho biết: Nhà tôi nuôi mỗi lứa khoảng 250 con lợn thịt, vì thế, tôi rất coi trọng và thực hiện tốt công tác thú y. Tôi nhận thấy, vào dịp cuối năm thường xuất hiện các loại bệnh như: Dịch tả, tụ dấu, phó thương hàn, bệnh tai xanh trên đàn lợn. Cùng với tiêm phòng vắc xin đầy đủ, gia đình tôi cũng che chắn chuồng trại để đảm bảo giữ ấm cho đàn lợn; chú ý khâu lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng...
Không chỉ riêng ở xã Cao Ngạn, các địa phương có số lượng trang trại, gia trại lớn trên địa bàn thành phố như: Tân Cương, Quyết Thắng, Lương Sơn, Thịnh Đức…, các hộ chăn nuôi cũng đã chủ động và có ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh và rét cho vật nuôi. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng trên 57 nghìn con lợn, 1,4 triệu con gia cầm và 6.700 con trâu, bò. Vào thời điểm cuối năm nhưng các hộ dân chỉ tập trung tái đàn chứ không tăng đàn; vì thế, số lượng đàn vật nuôi không có nhiều biến động, chỉ tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức ra quân 2 đợt tiêm phòng và phun khử trùng tiêu độc; trong đó đã tiêm được 6.900 liều vắcxin tụ huyết trùng trâu, bò; trên 20 nghìn liều vắcxin tụ dấu lợn, gần 24.000 liều vắcxin dịch tả lợn; trên 460.000 liều vắcxin cúm gia cầm…; cung cấp gần 3 nghìn lít hóa chất phun khử trùng, tiêu độc cho các xã, phường. Ngoài ra, Trạm Thú y Thành phố cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 5 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho trên 200 lượt người là thú y viên và các hộ chăn nuôi. Do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra ổ dịch bệnh lớn trên đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cán bộ thú y xã, phường bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh để có biện pháp khống chế, ngăn chặn. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm ở các chợ đầu mối; tiến hành thanh tra quản lý thuốc, vật tư thú y, thực hiện tiêm phòng, bổ sung cho đàn vật nuôi mới nhập về. Đồng thời, hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn để phòng chống đói rét cho vật nuôi, bảo đảm cho chăn nuôi phát triển ổn định, cung cấp đủ nguồn thực phẩm an toàn cho nhu cầu thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch; khuyến cáo bà con nếu phát hiện vật nuôi sốt, bỏ ăn phải cách ly, chữa trị kịp thời và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp; không tiếp xúc, giết thịt gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc và báo sớm cho cơ quan chức năng khi có gia cầm nghi bị bệnh…