Đội 6, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có 67 hộ dân thì có tới 50 hộ, với hơn 240 nhân khẩu là người dân tộc Ngái. Đây chính là một trong những địa bàn có cộng đồng người Ngái sống quần tụ đông nhất ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung.
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, cả nước chỉ có hơn 1 nghìn người người dân tộc Ngái, cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Cộng đồng người Ngái gồm có các nhóm địa phương: Ngái Hắc Cá, Sín, Đản, Lê, với tên tự gọi chung là Sán Ngái (nghĩa là người miền núi). Năm 1979, người Ngái chính thức được công nhận là một dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc của Việt Nam. |
Cộng đồng đồng người Ngái lập xóm, sống quần tụ yên bình dưới chân núi Cái và núi Hột, xóm Tam Thái đã hơn 80 năm nay. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Cụ Thẩm Hoa Huân, đã trên 90 tuổi, vẫn nhớ rất rõ cuộc di cư cùng gia đình mình từ Hà Cối, tỉnh Quảng Ninh lên Thái Nguyên từ những năm 1930. Cụ Huân kể: “Khi ấy tôi mới hơn 10 tuổi, cùng bố mẹ và 2 gia đình nữa di cư đi tìm miền đất mới để sinh sống. Đến vùng này, thấy đất đai màu mỡ, địa thế thuận lợi nên quyết định ở lại sinh cơ lập nghiệp. Chúng tôi phát cây, phá núi làm nhà, khai hoang ruộng đất, rồi kết hôn với người Sán Dìu và các dân tộc khác, sinh con và phát triển kinh tế, xây dựng xóm làng.
Bà Trần Thị Oanh, sinh năm 1922, kể: So với trước đây, đời sống của cộng đồng người Ngái ở Tam Thái đã thay đổi rất nhiều. Trước năm 1990, bà con chỉ sống trong những căn nhà trình tường lụp xụp, ít đất canh tác nên thường xuyên thiếu đói thì nay việc đó đã không còn nữa. Chúng tôi cũng cảm nhận rõ được điều này khi các tuyến đường trục xóm và đường nhánh vào các nhóm hộ ở đội 6 đều được đổ bê tông đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống kênh mương đã kiên cố hóa, cùng với sự hoạt động hiệu quả của Hợp tác xã dịch vụ nước Hồng Thái (gồm 8 đội sản xuất tại 3 xóm Tân Thái, Ấp Thái và Tam Thái) giúp bà con chủ động được nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đội 6 có 67 hộ dân thì chỉ còn 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, hơn 90% gia đình đã có nhà xây kiên cố. Những năm gần đây, ngoài gieo cấy 2 vụ lúa nước, bà con trong đội còn tích cực phát triển cây trồng vụ đông với quy mô từ từ 6 đến 8ha, cho thu nhập khá. Chị Lâm Ngọc Dung, một người dân trong đội cho biết: Nhờ chủ động được nước tưới nên cây vụ đông đã trở thành nguồn thu chính trong các vụ sản xuất. Bản thân gia đình tôi năm nào cũng trồng khoảng 3 sào hoa cúc để bán trong dịp Tết Nguyên đán, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 đến 7 lần so với cây lúa.
Ông Thẩm Dịch Thọ, Phó xóm Tam Thái (xóm chia làm 2 đội sản xuất số 5 và số 6) hồ hởi kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm khi vinh dự là đại điện người dân tộc Ngái duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2010, được tặng Kỷ niệm chương và tượng Bác Hồ. Ông Thọ tự hào: Cuộc sống đã được cải thiện, trình độ dân trí của người Ngái cũng đã nâng lên rất nhiều. Hầu hết trẻ em ở đây đều được học hết bậc THPT. Hiện đội 6 có 7 cháu là người dân tộc Ngái đã và đang học đại học. Đặc biệt, gia đình ông Thẩm Hồng Bảy có 3 con học hết đại học, trong đó anh Thẩm Minh Tú là giảng viên đại học và đang làm nghiên cứu sinh ở Trung Quốc. Đây là những người con ưu tú, là niềm tự hào của tất cả chúng tôi.
Đời sống phát triển, nhưng ông Thọ và nhiều bậc cao niên ở đây luôn trăn trở là một số nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Ngái đã bị mai một theo thời gian. Cụ thể là không gian đặc trưng về xóm bản và nhà ở của bà con đã không còn như trước. Cả đội chỉ còn duy nhất gia đình ông Trần Văn Cường giữ được một căn nhà đất xây dựng theo lối trình tường. Người dân cũng hầu như không mặc trang phục truyền thống nữa. Ông Thọ cho biết: Chúng tôi đang cố gắng gìn giữ và truyền dạy tiếng nói của dân tộc mình cho con cháu trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong các làn điệu dân ca, hát đối giao duyên. Một giá trị văn hóa phi vật thể không thể không nhắc đến là lễ Kỳ Yên được tổ chức mỗi dịp đầu năm đang được cộng đồng người Ngái ở Tam Thái từng bước phục dựng. Lễ Kỳ Yên với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và mọi người, mọi nhà được bình yên…
Định cư ở Tam Thái đã hơn 80 năm, cộng đồng người Ngái đã thực sự coi đây là quê hương của mình. Cùng với các dân tộc khác, họ đang tích cực lao động sản xuất để đóng góp xây dựng vùng quê này ngày càng trù phú hơn.