Từ lâu, gạo nếp Thầu Dầu đã trở thành đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho các vùng đất ven sông Cầu của huyện Phú Bình. Với đặc trưng dẻo, thơm, vị đậm đà, gạo nếp Thầu Dầu được nhiều người ưa chuộng và cũng là một món quà quê ý nghĩa dành tặng bạn bè.
Những ngày đầu tháng 11, về xã Úc Kỳ (Phú Bình), chúng tôi cảm nhận được niềm phấn khởi của người dân khi được mùa lúa. Cả cánh đồng phủ một màu vàng óng của lúa nếp Thầu Dầu, những bông lúa chắc mẩy vươn mình trong nắng. Bà Dương Thị Điểm, xóm Múc, xã Úc Kỳ cho biết: Năm nay, gia đình tôi cấy tất cả diện tích ruộng bằng giống lúa nếp Thầu Dầu. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) do Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế (Đại học Thái Nguyên) triển khai nên giảm được đáng kể chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng gạo. Lúa năm nay được mùa, năng suất ước đạt khoảng 180kg/sào. Dù chưa gặt xong nhưng đã có người đến đặt mua hết.
Gia đình bà Dương Thị Thành, cùng ở xóm Múc cũng cấy toàn bộ 5 sào lúa nếp Thầu Dầu. Bà Thành cho biết: Gạo nếp Thầu Dầu để gói bánh chưng, bánh dày hay đồ xôi đều rất thơm ngon. Đặc biệt, loại gạo này đem làm tương thì vị đậm đà, là đặc sản nổi tiếng của xã Úc Kỳ. Xét về năng suất, nếp Thầu Dầu thấp hơn các giống lúa lai đang gieo cấy hiện nay nhưng giá bán lại cao gấp 2 đến 2,5 lần nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ngoài ra, rơm lúa nếp cũng được người dân địa phương tận dụng để làm chổi bán. Một sào rơm nếp có thể làm được 60 chiếc chổi, cho nguồn thu khoảng 600 nghìn đồng.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa nếp Thầu Dầu ở huyện Phú Bình đã liên tục tăng trong những năm gần đây, nhất là sau khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu Phú Bình” năm 2012. Hiện nay, diện tích lúa nếp Thầu Dầu của toàn huyện đã đạt khoảng 66ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Úc Kỳ, Nhã Lộng, Xuân Phương và Nga My. Bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện thông tin: Giống lúa nếp Thầu Dầu đã được gieo cấy ở Phú Bình từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, do một thời gian dài không được thanh lọc nên giống lúa này đã bị thoái hóa và lẫn tạp nhiều. Trước thực trạng đó, năm 2008, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã xây dựng và thực hiện Dự án chọn lọc, phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu. Quy trình chọn lọc tương đối chặt chẽ, đầu tiên là lấy 20 mẫu giống thóc và cử những người có kinh nghiệm chọn ra 2 mẫu chuẩn nhất về màu sắc, kích cỡ để gieo mạ. Khi mạ lớn, thực hiện quá trình khử lẫn cỏ và các giống lúa khác. Đến khi cấy, lúa bén rễ hồi xanh lại tiếp tục quy trình khử lẫn bằng cách nhổ bỏ những cây khác thường, quá trình lúa phát triển tiếp tục khử một lần nữa. Mục đích khử lẫn nhiều lần là để chọn ra giống lúa nguyên chủng, không bị pha trộn bởi các giống lúa khác. Nhờ vậy, những đặc tính thơm, dẻo, vị đậm của nếp Thầu Dầu đã cơ bản được khôi phục.
Là đơn vị được giao quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu”, Hội Nông dân huyện Phú Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, cũng như quảng bá thương hiệu này. Hằng năm, Hội đều phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ và quy trình kỹ thuật, kiến thức sử dụng nhãn hiệu tập thể; tổ chức cho hội viên học tập kinh nghiệm quản lý nhãn hiệu tập thể ở các địa phương khác trong tỉnh; phối hợp tổ chức tập huấn và thực hiện các mô hình kỹ thuật canh tác lúa cải tiến… Riêng trong năm 2014, Hội Nông dân huyện đã thành lập được Ban Quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu” huyện Phú Bình; tổ chức tập huấn, quy trình đăng ký cấp giấy Chứng nhận tập thể lúa nếp Thầu Dầu cho gần 200 hộ dân có diện tích cấy lúa 1.000m2 trở lên và các đại lý kinh doanh gạo nếp Thầu Dầu tại 4 xã Úc Kỳ, Nhã Lộng, Nga My và Hà Châu. Đặc biệt, Hội đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu” cho 14 hộ gia đình ở xã Úc Kỳ. Những hộ này khi kinh doanh gạo nếp Thầu Dầu sẽ được Hội Nông dân huyện cấp bao bì, lô gô thương hiệu và hỗ trợ một phần kinh phí cũng như hướng dẫn quy trình về bảo hộ thương hiệu.
Bà Dương Thị Sâm cho biết thêm: Để tiếp tục phát triển thương hiệu “Lúa nếp Thầu Dầu”, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào việc tiếp nhận đăng ký, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho các hộ sản xuất và kinh doanh gạo nếp Thầu Dầu đủ điều kiện. Với mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người dân, Hội Nông dân đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và Viện Giống cây trồng Trung ương để tiếp tục chọn tạo và phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu.