Mặc dù đã bước vào mùa khô nhưng mực nước hồ Núi Cốc vẫn đang ở mức cao. Hiện nay, trữ lượng nước ở hồ chứa lớn nhất tỉnh đạt trên 91%. Bà Lăng Thị Nhàn, một người dân ở xóm Rộc Lầy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi thấy mực nước hồ Núi Cốc hiện nay cao hơn rất nhiều so với năm ngoái. Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với những người nông dân, nhất là khi cây trồng vụ đông đang ở thời điểm cần nước tưới.
Không chỉ hồ Núi Cốc mà ở các hồ khác như Bảo Linh, Làng Gầy, Bản Piềng, Nà Tấc, Bó Vàng, Lê Lợi (Định Hóa); Quán Chẽ, Lòng Thuyền (Võ Nhai); Suối Lạnh, Nước Hai (Phổ Yên); Ghềnh Chè (T.X Sông Công); Phú Xuyên, Đoàn Ủy, Phượng Hoàng, Gò Miếu (Đại Từ); Cặp Kè, Kim Cương, Hố Chuối (Đồng Hỷ)... trữ lượng nước cũng đạt từ 90-100% dung tích thiết kế. Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB cho biết: Với 1.214 công trình thủy lợi hiện có, nguồn nước đang được duy trì khá ổn định. Các hồ chứa do Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi quản lý có trữ lượng nước đạt từ 75-100% dung tích thiết kế; các công trình hồ, đập nhỏ do các huyện, thành phố, thị xã quản lý có trữ lượng nước đạt từ 70-80% dung tích thiết kế.
Với lượng nước như hiện nay, trên 16.000ha cây màu vụ đông, trong đó có 6.800 ha ngô, 4.800 ha rau các loại, 4.410 ha khoai lang… luôn được bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng nên đang phát triển tốt. Tuy nhiên theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến hết năm, trời sẽ ít mưa nên nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số khu vực miền núi, vùng cao. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2015 có nguy cơ xảy ra, nhất là ở những khu vực không có công trình tưới nước.
Ông Bùi Tiến Chính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân, chúng tôi đang chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi, các đơn vị quản lý hồ, đập chứa nước trong tỉnh chú trọng việc tích trữ nước. Hiện, ngoài hồ Núi Cốc đang được điều tiết nguồn nước thì 35 hồ có dung tích chứa nước khá lớn còn lại của tỉnh đang đóng cống để tích trữ nước phục vụ sản xuất vụ xuân.
Cùng với việc quản lý chặt chẽ nguồn nước ở các hồ chứa lớn trong tỉnh, ngành Nông nghiệp cũng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương phải theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động tích trữ nước vào hồ chứa nhỏ khi có nguồn sinh thủy; ưu tiên giành nước cho vụ xuân 2015 bằng biện pháp tranh thủ nguồn nước ở sông suối, kênh tiêu, nguồn nước mưa để tưới cây vụ Đông; tăng cường trữ nước vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, vùng trũng thấp để tưới cho cây trồng, cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi khi cần thiết, đề phòng hạn hán xảy ra. Đặc biệt, Ngành đã tham mưu với tỉnh, yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.
Theo đó, các địa phương phải kiểm tra, đánh giá và cân đối nguồn nước hiện có để bố trí diện tích, cơ cấu, thời vụ gieo trồng, đảm bảo nguồn nước tưới trong cả mùa vụ. Đối với những diện tích trồng lúa nước, trường hợp không đảm bảo đủ nước tưới, dưỡng lúa, các địa phương cần có phương án chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn. Nhất là ở những diện tích cấy lúa phụ thuộc vào nước trời; do nhân dân tự khai thác nguồn nước tưới bằng các công trình tạm như đường ống tre nứa, gỗ đá chặn dòng lấy nước, gầu tát, hoặc ở nơi công trình hư hỏng xuống cấp, kênh mương không được kiên cố, không đảm bảo năng lực tưới thiết kế…
Bên cạnh đó là tổ chức triển khai nạo vét bể hút trạm bơm đầu mối; sửa chữa các cống lấy nước, trạm bơm tưới, cánh phai điều tiết, đảm bảo dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng; triển khai nạo vét, dọn cỏ trong các hệ thống kênh, nhất là hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo cấp đủ nước cho cây trồng. Chủ động chuẩn bị phương án lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm đảm bảo việc bơm nước trong trường hợp mực nước sông, kênh chính hạ thấp; đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi sau mùa mưa lũ năm 2014, thống kê hiện trạng công trình và đề xuất danh mục công trình ưu tiên sửa chữa; rà soát, đánh giá các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng nhằm tiết kiệm nước…
Ngoài những nỗ lực của các cấp, ngành chức năng thì ý thức của người dân trong quá trình sử dụng nguồn nước cũng rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Thanh, xóm Vân Hòa, Văn Hán (Đồng Hỷ) cho rằng: Để nguồn nước không bị thất thoát, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình. Cụ thể, những người ở khu vực đầu nguồn nước khi đã lấy đủ lượng nước tưới cây vụ đông hoặc cấy lúa xuân cần tạo điều kiện để những người ở khu vực cuối nguồn có nước về đến ruộng, tránh tình trạng, ruộng nhà mình đã đủ nước nhưng không đắp cống dẫn nước từ mương vào ruộng khiến nguồn nước bị thẩm thấu rất lãng phí.