“Đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

07:32, 27/11/2014

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội tại các vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi… đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng

 

Với dân số trên 1,1 triệu người, Thái Nguyên hiện có hơn 300 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 45 dân tộc khác nhau (chiếm 27% dân số toàn tỉnh). Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 134, 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, bằng việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 550 dự án thuộc các lĩnh vực: Nước sạch, y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, thủy lợi… tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện hơn 780 tỷ đồng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi đã có những khởi sắc vượt bậc, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa...

 

Những đổi thay ở xóm người Mông Chòi Hồng, xã Tràng Xá, (Võ Nhai) là một ví dụ điển hình. Chúng tôi đến xóm Chòi Hồng đúng vào dịp con đường bê tông vào xóm vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường dài 1,8km được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 3,4 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135. Ông Lầu Văn Vình, Trưởng xóm Chòi Hồng phấn khởi cho biết: “Từ ngày có con đường mới, việc đi lại, giao thương của người dân trong xóm thuận lợi hơn rất nhiều, cuộc sống của người dân nhờ vậy mà ngày càng khấm khá hơn”. Xóm Chòi Hồng có 179 hộ gia đình, trong đó 177 hộ là người dân tộc Mông (chiếm 99%). Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên cuộc sống của đồng bào hết sức khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hệ thống điện, đường, trường, nhà văn hóa… từng bước đáp ứng nhu cầu ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất của người dân trong xóm. Nhờ vậy, cuộc sống của người Mông nơi đây ngày càng khởi sắc. Ba năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm từ  9-15%. Hiện nay, dù tỷ lệ hộ nghèo của xóm vẫn chiếm 47% nhưng xóm không còn hộ đói, không còn nhà tạm, nhà dột nát. 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 97% số hộ có xe máy để đi lại; 100% trẻ em đến tuổi đi học đều đến trường...

 

Xoá đói, giảm nghèo bền vững

 

Kết quả lớn nhất trong chính sách đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không chỉ đơn thuần là “rót” kinh phí mà quan trọng hơn đã giúp những người dân nơi đây có thêm "đòn bẩy" để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, vươn lên bắt nhịp với sự phát triển chung của tỉnh.

 

Với cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, các địa phương đã tập trung chuyển dịch kinh tế trong nông nghiệp, phát huy thế mạnh của từng vùng và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Qua đó, góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh tăng từ 44 tạ/ha (2009) lên 52 tạ/ha (2014), sản lượng lương thực đạt hơn 450 nghìn tấn; giá trị sản xuất trên 1ha diện tích đất nông nghiệp tăng từ 47 triệu đồng lên 78 triệu đồng. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung đã hình thành và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây dược liệu, mô hình chăn nuôi dê tại xã Phú Thượng; mô hình chăn nuôi gà thả vườn tại xã Bình Long (Võ Nhai); mô hình trồng chuối tiêu hồng tại các xã Phượng Tiến, Trung Lương (Định Hóa); mô hình nuôi cá ruộng tại xã Bình Yên, Thanh Định, Trung Hội (Định Hóa)…  Phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được phát triển rộng khắp ở các xã miền núi, như: Tân Khánh, Tân Kim (Phú Bình); Tràng Xá, Bình Long (Võ Nhai); Minh Lập, Hóa Trung, Linh Sơn (Đồng Hỷ)… Nhờ vậy, vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi chiếm 27,06% thì đến cuối năm 2013 đã giảm xuống còn 15,9% (bình quân mỗi năm giảm 3,72%). Hiện nay, số hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc, miền núi chiếm tỷ lệ khoảng 50% số hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh.

 

Tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư

 

Một tin vui đến với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh khi mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản, đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020”. Theo đó,Đề án sẽ được triển khai trong 2 giai đoạn: 2014-2015 và 2016-2020, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 122,6 tỷ đồng. Trong đó: 47,1 tỷ đồng dành cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất; 75,5 tỷ đồng dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu…Cùng với những chương trình, dự án hỗ trợ khác của Đảng, Nhà nước đang được triển khai thực hiện, Đề án này được xem như chiếc “chìa khóa” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung.

 

Ông Triệu Minh Thái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Trong đó, ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, như: Đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu cụ thể đến năm 2019 là nâng thu nhập bình quân đầu người ở các xã miền núi bằng 70% mức thu nhập chung của tỉnh. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng dân tộc, miền núi bình quân từ 3-5%/năm; 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% trục đường xóm, bản được cứng hóa đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện đạt 100%; tỷ lệ các xã miền núi đạt chuẩn Quốc gia về y tế đạt trên 70%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%...

 

Có thể thấy rằng, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng miền núi khó khăn của nhà nước trong những năm qua đã trở thành “đòn bẩy” giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo nên diện mạo khởi sắc tại các xóm, bản vùng cao. Tuy nhiên, để những chính sách đó tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, trên hết vẫn cần sự tích cực, chủ động vươn lên của đồng bào, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.