Hiệu quả từ chăn nuôi lợn gia công

16:33, 17/11/2014

Trong khi nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, dịch bệnh và thị trường bấp bênh thì mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đào Văn Hiểu, ở xóm Rẫy, xã Đào Xá (Phú Bình) vẫn đứng vững nhờ biết liên kết với doanh nghiệp, áp dụng mô hình chăn nuôi lợn gia công theo kỹ thuật tiên tiến. Tuy mới xây dựng được hơn 2 năm nay, song mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đến tham quan mô hình chăn nuôi lợn của ông Đào Văn Hiểu, tôi không khỏi ấn tượng bởi khu chuồng trại được xây dựng khép kín, tách biệt với nhà ở. Khu chuồng rộng 1.400m2, có hệ thống cung cấp nước uống và máng chia thức ăn tự động, điện chiếu sáng, quạt thông gió hiện đại. Trong chuồng có hơn 1.000 con lợn thịt, trọng lượng đều nhau.

 

 Ông Hiểu cho biết: Rời quân ngũ năm 1990, ông bắt tay xây dựng kinh tế gia đình với 2 sào ruộng bố mẹ để lại. Làm đủ nghề nhưng không hiệu quả, ông quyết định dồn sức vào chăn nuôi lợn. Ông thấy hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn đều manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh. Làm thế nào để chăn nuôi được bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao là câu hỏi luôn đau đáu trong ông. Sau khi tham quan một số mô hình chăn nuôi ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) và xã Phúc Thuận (Phổ Yên), ông đã tìm đến mô hình liên kết của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (có chi nhánh tại Hà Nội). Nhận thấy đây là công ty chuyên ngành chăn nuôi có uy tín, kinh nghiệm, ông quyết định thế chấp ngân hàng để vay vốn và ký kết hợp đồng kinh tế với công ty.

 

 Theo các điều khoản trong hợp đồng, Công ty có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh, bao tiêu sản phẩm, có nhân viên kỹ thuật đến chăm sóc theo dõi bệnh tật và tiêm vắc xin định kỳ cho lợn… Phía gia đình có trách nhiệm đầu tư xây dựng các hạng mục theo tiêu chuẩn kỹ thuật của công ty, gồm: Chuồng nuôi, nhà sát trùng, kho chứa thức ăn, bể nước, dụng cụ cung cấp thức ăn, nước uống, hệ thống điện, xử lý chất thải… Toàn bộ phải đảm bảo yếu tố nhiệt độ ổn định, vệ sinh phòng dịch và không gây ô nhiễm môi trường. Theo thỏa thuận, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ tăng trọng của lợn thịt, trừ mọi khoản chi phí là 1.600 đồng/kg thịt lợn hơi.

 

Khu chuồng trại của gia đình ông Hiểu bắt đầu xây dựng vào tháng 5-2012, sau 4 tháng được hoàn thành đi vào hoạt động, với tổng số vốn đầu tư là 1,3 tỷ đồng. Từ khi bắt đầu nuôi đến nay số lượng đàn lợn luôn duy trì 1.000 con/lứa. Một năm ông Hiểu nuôi được hai lứa, mỗi lứa thu hơn 100 tấn lợn hơi, trừ chi phí còn thu lãi trên 200 triệu đồng.

 

Theo ông Hiểu, mô hình liên kết này huy động được các nguồn vốn đầu tư mua con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh của các nhà đầu tư. Đặc biệt là người nông dân được bao tiêu sản phẩm ít rủi ro, giảm nhân công trực tiếp do chuồng trại xây dựng khép kín với tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường, được Chi cục Thú y tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hoạt động. Người dân quanh trang trại rất phấn khởi vì với 3 hầm bioga, chia 12 bể, ông cho sử dụng miễn phí khí ga cho hơn chục hộ dân. Với mô hình này, ông còn tạo công ăn việc làm cho từ 3 đến 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Trong tình hình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu ra bấp bênh như hiện nay, việc liên kết chăn nuôi gia công giữa doanh nghiệp và trang trại như gia đình ông Hiểu là giải pháp an toàn cho người dân. Tuy nhiên, ở Phú Bình, đến nay mới có 2 hộ chăn nuôi lợn áp dụng hình thức này. Để mô hình nhân rộng trên toàn huyện, trong thời gian tới rất cần có sự khuyến khích, hỗ trợ vốn của các cấp, ngành.