Nâng cao sức cạnh tranh của thép TISCO trên thị trường

10:23, 28/11/2014

Nghe theo tiếng gọi của Đảng, năm 1959, hơn 2 vạn cán bộ chiến sĩ quân đội nhân dân và nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tụ hội về Thái Nguyên xây dựng “Khu Công nghiệp Gang thép đầu tiên” của nước nhà. Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công, với tinh thần lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đến ngày 29/11/1963, vào lúc 8 giờ 30 phút, mẻ gang đầu tiên của Lò cao số 1 đã ra lò, đánh dấu một thời khắc đã đi vào lịch sử của Khu Gang thép Thái Nguyên và ngày 29/11 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên.

 Tiền thân là Khu Gang thép Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên được Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ra Quyết định thành lập ngày 4/6/1959, một trong những công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ XIV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá II (tháng 01/1958), nhằm xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1960, công trường chính thức làm lễ khởi công đổ bê tông móng lót Lò cao số 1 mở đầu xây dựng các hạng mục công trình của Khu gang thép. Ngày 21/6/1962 Bộ Công nghiệp nặng ra Quyết định số 361-BCN-Ng/KH2 thành lập Công ty Gang thép Thái Nguyên.

 

Trong những ngày đầu mới thành lập (giai đoạn từ năm 1959- 1963), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vinh dự được đón Bác Hồ ba lần về thăm. Lần thứ ba cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Khu Gang thép vào ngày 1/1/1964, Bác đã dạy đội ngũ cán bộ, công nhân Khu gang thép “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như thế”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp các thế hệ công nhân, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên Gang thép Thái Nguyên luôn khắc sâu và làm theo lời dạy của Người, đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ trong quá trình xây dựng, phát triển Công ty và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

 

  Ngày 05/8/1964, giặc Mỹ bất ngờ tấn công, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Để chủ động đối phó với tình hình, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, thực hiện quyết định Trung ương Đảng và Chính phủ, Công ty đã tạm ngừng xây dựng một số công trình trọng điểm, sơ tán thiết bị và xây dựng cơ sở chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, đồng thời động viên 13.000 cán bộ, công nhân lên đường nhận nhiệm vụ ở các ngành, các vùng, miền ở tuyến lửa. Chính trong giai đoạn này đã xuất hiện những câu khẩu hiệu hành động nổi tiếng như: “Khi Tổ quốc cần, sẵn sàng đổi máu lấy thép”; “Lao động quên mình vì sự nghiệp Gang thép của Tổ quốc”… Với tinh thần “bám máy, bám lò, coi vị trí sản xuất là vị trí chiến đấu”, cán bộ công nhân Công ty Gang thép Thái Nguyên đã dũng cảm chiến đấu ngoan cường đánh trả máy bay giặc Mỹ, bám trụ sản xuất dưới mưa bom bão đạn để dòng gang, dòng thép vẫn rực rỡ ra lò…

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, sản xuất kinh doanh của Công ty cũng bước sang một giai đoạn mới. Trong giai đoạn này (1975-1985), Khu Gang thép lại hừng hực khí thế tiến công, bắt tay vào khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, khôi phục và phát triển sản xuất. Bằng trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, lao động đầy sáng tạo của cán bộ, CNV, các sản phẩm thép của Công ty đã toả đi khắp mọi miền Tổ quốc và có mặt trong các công trình trọng điểm của đất nước, như: thuỷ điện Hoà Bình; thủy điện Yaly; đường dây tải điện 500KV Bắc Nam; cầu Thăng Long; cầu Chương Dương... Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1986-2005, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã từng bước và nhanh chóng tiếp cận, vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý mới. Tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại, phát huy nội lực, đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), đa dạng hoá sản xuất và sản phẩm, cải tiến quản lý, mở rộng thị trường. Đặc biệt, được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc, Công ty đã triển khai thực hiện thành công Dự án đầu tư cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn I với tổng vốn đầu tư 695 tỷ đồng, nhằm khai thác tài nguyên trong nước; sử dụng 50 - 60% gang lỏng vào luyện thép, nâng năng lực sản xuất phôi của nhà máy Luyện thép Lưu Xá lên trên 24 vạn tấn/năm; xây dựng nhà máy Cán thép Thái Nguyên và đầu tư chiều sâu để nâng công suất ở một số đơn vị.

 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, từ ngày 1/7/2009, Công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần với vốn điều lệ 1.840 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 65%. Sau hơn 4 năm sản xuất kinh doanh trong mô hình quản lý mới, Công ty đã chuyển đổi thích ứng nhanh với cơ chế quản lý trong Công ty cổ phần; năng động, chủ động và quyết liệt trong điều hành sản xuất, tăng cường công tác quản trị Công ty, xây dựng các quy chế, quy định, chủ động bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao... Chính vì vậy, kết quả SXKD hàng năm của Công ty đều giữ được ổn định và có hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2010, Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.249 tỷ đồng, tăng 0,45% so với năm 2009; thép cán sản xuất đạt 592.861 tấn, tăng 3,8% so với 2009; tổng doanh thu đạt 8.362 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 302 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2009; lãi 281 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho trên 6.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng...

 

Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, trước những khó khăn do thị trường thép diễn biến phức tạp, sản phẩm thép tiêu thụ chậm và có sự cạnh tranh gay gắt... nhưng nhờ làm tốt công tác dự đoán, dự báo và phân tích đúng tình hình, Công ty đã chỉ đạo quyết liệt tăng cường công tác quản lý trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ nguyên vật liệu đầu vào; thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm các chi phí, giảm các chỉ tiêu tiêu hao, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sản xuất, nên mặc dù trong bối cảnh chung ngành Thép gặp rất nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn duy trì SXKD ổn định, đảm bảo việc làm thu nhập cho người lao động. Chỉ tính riêng, trong 10 tháng năm 2014, Công ty đã đạt giá trị sản xuất công nghiệp gần 1.692 tỷ đồng; phôi thép sản xuất trên 311 nghìn tấn; thép cán sản xuất gần 388 nghìn tấn; tổng doanh thu đạt trên 6.224 tỷ đồng;  bảo đảm việc làm cho trên 5.700 lao động với mức lương bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng...

 

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II, Công ty đã tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tổng Công ty Thép Việt Nam thực hiện Dự án theo phân kỳ đầu tư, đúng tiến độ. Đặc biệt, cuối tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo kết luận và đồng ý để Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia góp 1.000 tỷ đồng vốn và sử dụng toàn bộ phần vốn góp này cho Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II. Hiện Công ty đang tích cực phối hợp với Tổng thầu MCC để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm Dự án đi vào sản xuất trong thời gian sớm nhất.

 

Với truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo của đội ngũ sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2014, chuẩn bị thật tốt về mọi mặt, sẵn sàng b¬ước vào thực hiện kế hoạch năm 2015 và sớm đưa Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II vào sản xuất… Công ty đã đề ra một số giải pháp, trong đó tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp; chủ động bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ; tiếp tục đầu tư chiều sâu thiết bị công nghệ; giữ vững uy tín thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh thép TISCO trên thị trường, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, góp phần đưa Thái Nguyên thành tỉnh công nghiệp hóa trước năm 2020.