Với dân số trên 1,1 triệu người, hiện nay, Thái Nguyên có 300 nghìn người là dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông và Hoa sinh sống. Những năm qua, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đặc biệt, nhiều cá nhân điển hình không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình mà còn đóng góp công sức, tiền của và vận động bà con thực hiện Chương trình có hiệu quả.
Một trong những người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, góp phần XDNTM phải kế đến là ông Lê Văn Báo, dân tộc Tày, xóm Rừng Vần, xã La Bằng (Đại Từ). Từ 10 năm trước, ông Báo đã là hộ dân sản xuất chè có thu nhập cao nhất, nhì xã. Đến năm 2011, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích chè cành giống mới (Long Vân). Nhờ đó, với 2 mẫu chè, trong đó có tới 2/3 diện tích là chè cành giống mới (Long Vân), 3 năm trở lại đây, mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 2-2,5 tấn chè búp khô. Ngoài ra, vợ chồng ông còn đứng ra thu mua chè của bà con trong vùng cung cấp cho các thị trường tỉnh bạn như Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hà Nội… Năm 2013, thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 400 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với một hộ nông dân ở Thái Nguyên. Không chỉ có thu nhập cao, hằng năm, gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động trong xã với mức thu nhập bình quân đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với ông Báo, hộ ông Mạch Văn Hai, dân tộc Sán Dìu, xóm Hạ Đạt, xã Thành Công (Phổ Yên) cũng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Là hộ có mô hình chăn nuôi (lợn, gà…) kết hợp cấy lúa, làm chè, trồng rừng… mỗi năm ông Hai có thu nhập từ 300-350 triệu đồng. Hay như hộ ông Lương Văn Minh, dân tộc Cao Lan, nông dân xóm La Nưa, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) là hộ sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; hộ ông Đặng Văn Hồng, dân tộc Sán Dìu, Trưởng xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình) là hộ sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng...
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cho hay: Với ý thức vươn lên làm giàu, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí thu nhập ở các xã nông thôn. Đây là tiêu chí vô cùng quan trọng bởi khi kinh tế ổn định, người dân mới có kiện để đóng góp tiền của, công sức thực hiện các tiêu chí khó như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa...
Một trong những điểm nhấn quan trọng nữa trong việc tham gia Chương trình XDNTM của đồng bào dân tộc thiểu số Thái Nguyên là bà con đã tích cực hiến đất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hiến đất làm đường. Đơn cử như tấm gương của bác Nguyễn Phùng Hưng, dân tộc Tày, xóm Đồi, xã Đức Lương (Đại Từ). Mặc dù là một thương binh nghèo, nhưng bác vẫn hiến tới trên 3.000m2 đất (chiếm 1/3 diện tích đất ở và đất sản xuất của gia đình) cho xóm làm đường bê tông rộng hơn 3m, dài 1,2km. Đóng góp của bác Hưng đã khiến nhiều người dân trong xóm nể phục bởi trước đây, khi con đường chưa được mở rộng, đổ bê tông, người dân chỉ có thể đi, lại bằng xe đạp, từ khi có con đường, xe máy, ô tô đã có thể vào đến trung tâm xóm, hàng hóa nông sản làm ra được vận chuyển đi bán thuận lợi hơn rất nhiều.
Một điều đáng nói nữa là, nhiều cá nhân, với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ đi đầu trong thực hiện Chương trình XDNTM mà còn vận động mọi người làm theo như ông Lý Văn Phượng, dân tộc Dao, nông dân xóm Đồng Bản, xã Bình Long (Võ Nhai) đã hiến đất 700 m2 và vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình hạ tầng cơ sở. Hoặc ông Bàng Văn Dướng, dân tộc Nùng, Trưởng xóm Làng Vàng, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) đã vận động nhân dân hiến đất xây dựng công trình hạ tầng cơ sở; bà Vi Thị Thiện, xóm La Đàn, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) luôn tích cực làm tốt tác tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc XDNTM; ông Lục Thanh Lâm, dân tộc Sán Dìu, Trưởng xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) vừa là nông dân sản xuất giỏi vừa là người có nhiều sáng kiến trong quá trình vận động người dân tham gia Chương trình...
Với sự hưởng ứng, đóng góp tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã huy động cộng đồng dân cư đóng góp được trên 1.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình XDNTM. Sự chung sức, đồng lòng của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã góp phần đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh có bình quân tiêu chí NTM/xã đạt cao nhất trong khu vực trung du miền núi phía Bắc (hiện đạt xấp xỉ 11 tiêu chí/xã). Đến nay, Thái Nguyên có thị trấn Hùng Sơn đã đạt chuẩn NTM; 10 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, đang hoàn tất hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn NTM là Đồng Liên, Lương Phú (Phú Bình); La Bằng, Hà Thượng (Đại Từ); Tân Hương, Đồng Tiến (Phổ Yên); Tân Cương, Quyết Thắng, Đồng Bẩm, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên). Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 17 xã đạt từ 15-18 tiêu chí NTM; 54 xã đạt từ 10-14 tiêu chí ...