Do những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, cho đến đầu quý 4 năm nay, kinh tế đất nước đã được nhìn nhận khá khả quan với nhiều dấu hiệu tích cực. Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 5,8%. Nét nổi bật của năm nay cho thấy lạm phát đã được kiểm soát tốt, các hoạt động tài chính ổn định với lãi suất cho vay giảm, giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi về vốn đầu tư sản xuất.
Chính phủ cũng đã triển khai mạnh mẽ các chính sách để cải cách thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên giảm bớt các thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Hàng loạt các thủ tục về thuế, hải quan, đất đai, cấp phép kinh doanh, xây dựng đã được rà soát, cắt bỏ những thủ tục rườm ra, không cần thiết để các doanh nghiệp hoạt động thông thoáng hơn. Về kinh tế vĩ mô theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay đã cho thấy có sự ổn định và phát triển; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,7%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%; khu vực dịch vụ tăng 6%; tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25% tăng thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến trong năm nay chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng khoảng 5% …Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay; niềm tin của đồng tiền Việt Nam ngày càng tăng cao.
Lĩnh vực xuất khẩu trong những tháng đầu năm nay cho kết quả khá, 9 tháng kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 11,6%, chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Dự ước, cả năm nay suất khẩu đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập khẩu đạt 146,5 tỷ USD, tăng 11%. Thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay có nhiều tiến bộ, 9 tháng thu tăng 17,2% so với cùng kỳ, ước thu cả năm vượt 10,6% so với dự toán; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép. Cũng theo thông tin của Chính phủ, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các giải pháp chỉ đạo của chính phủ đã tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư từ ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh và phát huy sức mạnh từ xã hội hoá các nguồn vốn đầu tư; các chương trình, dự án thực hiện xoá đói, giảm nghèo bền vững; tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã từng bước phát huy hiệu quả… đã góp phần làm ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên những tồn tại trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế vẫn còn bộc lộ những hạn chế như cải thiện môi trường cạnh tranh còn chậm, thủ tục hành chính vẫn còn rườm ra; năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư còn chậm được cải thiện; các doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, vốn tín dụng; bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh.
Với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế năm 2014, theo Báo Điện tử Chính phủ, năm 2015, về kinh tế sẽ phấn đấu tăng GDP 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 5% GDP; tổng đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP … Chính phủ cũng đã xác định các giải pháp quan trọng sẽ tiến hành để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nêu trên trong năm 2015.