Có thể nói, chưa bao giờ kinh tế của tỉnh lại có bước tăng trưởng mạnh mẽ như năm 2014 này. Từ giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu đến tổng vốn đầu tư xã hội... đều tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Tuy vậy, xét về nội tại nền kinh tế thì đây đó vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần phải quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Ngành Thống kê dự ước, năm nay tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ đạt ở mức 18,6%, cao hơn khoảng 3,6% so với kế hoạch đề ra. Nếu so sánh với tăng trưởng bình quân chung của cả nước thì chúng ta phải gấp hơn 2 lần. Đây là con số mà có mơ cũng ít địa phương nào dám nghĩ đến. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì tăng trưởng kinh tế của chúng ta lại chủ yếu nhờ vào sức đóng góp của khu vực công nghiệp - xây dựng với số điểm phần trăm là 14,9. Hai yếu tố quan trọng còn lại trong cơ cấu kinh tế là dịch vụ và nông, lâm nghiệp - thủy sản lại đạt thấp với sức đóng góp điểm phần trăm chung cả tỉnh lần lượt là 2,72 và 1,0.
Các chuyên gia cho rằng, dịch vụ là khu vực rất quan trọng đối với mỗi nền kinh tế và khi dịch vụ tăng chậm thì tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Năm nay cũng như một vài năm trước, khu vực dịch vụ trên địa bàn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ sức mua yếu của toàn xã hội, hơn nữa hoạt động tài chính, ngân hàng lại tăng trưởng chậm, hoạt động vận tải hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn... Tốc độ tăng trưởng của khu vực này năm nay chỉ đạt 6,4%, thấp hơn 0,65% so với năm 3013. Còn đối với khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản, giá trị sản xuất năm nay không đạt như kế hoạch đề ra, trong đó ngành chăn nuôi đạt thấp nhất với 6,5%, trong khi kế hoạch đề ra là 9,5%.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt cao cơ bản là do sự đóng góp của năng lực mới tăng thêm mà ở đây chủ yếu là đóng góp từ các dự án tỷ đô của Samsung, Núi Pháo và một số nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông La Hồng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Nếu như chưa tính sự đóng góp của năng lực mới tăng thêm thì tốc độ tăng trưởng chung của cả tỉnh năm nay chỉ đạt khoảng trên 6% mà thôi, có thể thấp hơn hoặc bằng với trung bình chung cả nước. Như vậy, đóng góp của năng lực mới cho tốc độ tăng trưởng là rất lớn, lên tới trên 12%.
Với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, dự ước năm nay sẽ đạt rất cao và vượt xa so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, sẽ vượt trên 200% kế hoạch, tăng gấp 6,3 lần so với năm trước. Mặc dù vậy, các nhà quản lý kinh tế vẫn không khỏi lo ngại bởi một số sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, chủ lực của tỉnh đã không đạt được như mong muốn. Giá trị sản xuất ngành thép chỉ ước đạt 66% kế hoạch và giảm 2,5% so với cùng kỳ; xi măng cũng chỉ đạt trên 74% kế hoạch và giảm 2,1% cùng kỳ; than khai thác và điện sản xuất đều giảm từ 9,9% đến trên 20%. Như vậy, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng mạnh là nhờ chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mà cụ thể là Samsung.
Giám đốc Sở Công Thương, ông Đinh Khắc Hiển nhận xét: "Mức độ ảnh hưởng của Samsung là rất lớn. Cho nên ngay từ đầu năm chúng ta đã nhận định giá trị sản xuất công nghiệp cả năm phải đạt tới 180 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, theo dự ước chúng ta chỉ đạt được khoảng 160 nghìn tỷ đồng. Như vậy là bị thụt khoảng 20 nghìn tỷ đồng so với dự tính. Nguyên nhân chính là do Samsung thay đổi cơ cấu sản phẩm. Nghĩa là, những tháng đầu năm Samsung sản xuất các sản phẩm điện tử 3G thông minh mang giá trị rất cao, nhưng các tháng cuối năm, doanh nghiệp này lại tập trung sản xuất sản phẩm 2G và những thiết bị điện tử thông thường nên giá trị bị đánh tụt xuống". Trong khi khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt tới trên 700% kế hoạch năm thì khu vực công nghiệp trong nước, nhất là công nghiệp địa phương lại chỉ đạt trên 80% kế hoạch. Điều đó cho thấy, không ít địa phương cấp huyện năm nay sẽ không hoàn thành chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp.
"Năm nay, dự ước trong 7 chỉ tiêu chính của ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là chỉ tiêu chăn nuôi và giá trị sản phẩm/1ha đấy trồng trọt. Do là chỉ tiêu quan trọng nên sự sụt giảm của chăn nuôi đã khiến giá trị sản xuất của toàn ngành không đạt được như dự kiến, chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong khi kế hoạch đề ra là 6%" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Quốc Minh không ngần ngại chia sẻ. Cũng theo ông Minh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do 6 tháng đầu năm giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên tốc độ tái đàn chậm. Kế hoạch mà tỉnh đặt ra đối với giá trị sản phẩm/1ha đất trồng trọt năm nay là 80 triệu đồng, nhưng ước thực hiện chỉ có thể đạt 78 triệu đồng. Nguyên nhân cũng là do giá bán sản phẩm trồng trọt của người dân không cao, chỉ tăng gần 5% trong khi kế hoạch đề ra là tăng 6,5%.
Như vậy có thể thấy, trong những thành tích nổi trội đạt được vẫn còn những điểm khó khăn, tồn tại cần nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, khi các ngành chuyên môn đã phân tích, chỉ rõ vấn đề, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành và có những giải pháp tích cực để khắc phục trong thời gian tới với mục đích xuyên suốt là tăng trưởng bền vững.