Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, dần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng. Một trong những chính sách đó phải kể đến việc thực hiện cho vay vốn đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định số 32 và 54 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTSĐBKK giai đoạn 2012-2015 quy định mức cho vay đối với mỗi hộ thuộc diện đối tượng tối đa là 5 triệu đồng, với lãi suất 0%. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 2.661 lượt hộ được vay, với số tiền 12.630 triệu đồng. Tính đến 30-9-2014, tổng dư nợ theo Quyết định này còn 4.636 triệu đồng, của 928 hộ, trong đó, chỉ có 2,2% nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,1%.
Tiếp theo Quyết định số 32, trước nhu cầu vay vốn ngày càng lớn của người dân, ngày 4-12-2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg nâng mức cho vay tối đa lên 8 triệu đồng/hộ và mức lãi suất thay vì 0% đã nâng lên mức 0,1%/tháng nhằm khắc phục việc trông chờ, ỷ lại vào chính sách cho không của Nhà nước, thúc đẩy hộ vay sau khi nhận tiền vay, phải tính toán xem đầu tư vào việc gì để tạo ra nguồn thu trả được gốc, lãi cho ngân hàng. Theo đó, đã có 964 lượt hộ được vay, với số tiền 7.438 triệu đồng.
Qua thực tế tìm hiểu tại một số hộ dân trên địa bàn 2 huyện là Định Hóa và Đại Từ, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các hộ vay để đầu tư chăn nuôi (lợn, trâu, bò) hoặc trồng trọt (trồng rừng và chè) - đúng với mục đích đăng ký sử dụng ban đầu và cơ bản phát huy hiệu quả, nhờ đó đã có nhiều hộ dân thoát được tình trạng khó khăn, ổn định đời sống.
Bà Nguyễn Thị In, xóm Búc 2, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) nói: Với số tiền được vay 8 triệu đồng theo Quyết định số 54, gia đình tôi mới có điều kiện để mua 1 con trâu trị giá 16 triệu đồng về nuôi. Trước đó, năm 2013, gia đình tôi cũng đã được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và mới đây được vay bổ sung 10 triệu đồng cũng từ nguồn vốn hộ nghèo. Từ khoản vay này, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 13 con dê sinh sản và một phần dành để trồng rừng. Tuy chưa đến thời kỳ dê cho thu nhập nhưng tôi tin, chỉ 1-2 năm nữa, khi trâu và dê đến thời kỳ được bán, gia đình tôi sẽ thoát nghèo. Bà In bảo, nếu không được vay vốn của NHCSXH thì chưa biết đến lúc nào, tôi mới dám nghĩ đến chuyện thoát nghèo. Tôi mong Nhà nước nâng mức cho vay đối với các hộ DTTSĐBKK lên gấp 1,5-2 lần so với hiện nay, để chúng tôi có điều kiện hơn trong phát triển kinh tế gia đình. Cũng ở xóm Búc 2, gia đình chị Triệu Thị Khuyên, khi được vay 5 triệu đồng theo Quyết định số 32, vợ chồng chị đã quyết định mua thêm 240m2 đất ruộng để nâng diện tích cấy lúa của gia đình lên 3 sào, nhờ đó, thời gian gia đình chị phải đi đong gạo ngoài để ăn đã giảm được từ 1-2 tháng so với trước đó.
Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Hải, xóm Tiền Phong, xã Đức Lương (Đại Từ) khi được vay 6 triệu đồng theo Quyết định 54 cũng đã thêm tiền của gia đình dành dụm được để mua 1 con trâu trị giá 17,5 triệu đồng. Do nguồn vốn của Trung ương cấp cho NHCSXH có hạn trong khi nhu cầu vay vốn của người dân lại nhiều, nên hiện mới có 7/17 hộ thuộc diện DTTSĐBKK của xóm được vay vốn theo Quyết định số 54. Bởi thế, ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng xóm, cũng là Tổ trưởng tổ TK-VV xóm Tiền Phong mong muốn số tiền cho vay đối với các hộ này sẽ nâng lên từ 10-15 triệu đồng/hộ, để các gia đình có điều kiện mua được 1 con trâu hoặc đầu tư vào việc trồng trọt, chăn nuôi khác cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Hiệu quả đồng vốn vay theo các Quyết định số 32 và 54 trên địa bàn tỉnh những năm qua được phát huy khá tốt. Đã có 42% số hộ được vay theo Quyết định số 32 đến nay đã thoát khỏi tình trạng ĐBKK (còn các hộ vay theo Quyết định số 54 chưa đánh giá được hiệu quả cụ thể vì vừa được vay từ cuối năm 2013, nhưng bước đầu cũng đã có những dấu hiệu tích cực). Ngoài việc được vay theo Chương trình dành cho hộ DTTSĐBKK, các hộ này còn được vay vốn hộ nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường… Bởi thế, có nhiều hộ có dư nợ với NHCSXH lên tới 50-60 triệu đồng. Tuy nhiên, với riêng chương trình cho vay dành cho hộ DTTSĐBKK, do mức lãi suất thấp hơn hẳn so với các chương trình khác (chỉ 1,2%/năm) nên nhu cầu của người dân được vay theo chương trình này rất lớn, nhưng mức được vay lại không cao và cũng chỉ có một tỷ lệ nhỏ các hộ thuộc đối tượng (chưa đến 30%) được vay, do nguồn vốn có hạn. Do đó, bên cạnh nguồn vốn của Trung ương, chúng tôi mong muốn, tỉnh sẽ dành một phần ngân sách chuyển cho NHCSXH theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và được ghi vào nghị quyết của HĐND các cấp hàng năm để làm căn cứ cho các cơ quan chức năng thực hiện để có thêm nhiều hộ đối tượng được thụ hưởng Chương trình ưu đãi này của Nhà nước.