Tại hội nghị doanh nghiệp (DN) Đức khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 14 vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với hơn 700 DN đến dự, rất nhiều DN mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của các DN là do tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp phụ trợ (CNPT) Việt Nam chưa cao, nên nếu đầu tư họ phải tốn rất nhiều chi phí so với các nước trong khu vực.
“Phụ” nhưng “chính”
Theo các DN Đức, hiện nay do CNPT của Việt Nam vừa thiếu và yếu, không đủ đáp ứng nhu cầu của các DN FDI. Vì thế, muốn đầu tư tại Việt Nam, các DN phải kéo theo các DN “con” để hỗ trợ sản xuất các linh kiện, phụ kiện cho đầu tư của họ.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), thừa nhận đây chính là một vòng luẩn quẩn, bởi khi DN FDI kéo theo các công ty con sẽ khiến cho CNPT trong nước không phát triển. Việc quy hoạch phát triển CNPT ở nuớc ta vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực CNPT còn quá ít, quy mô nhỏ lẻ với những sản phẩm, linh kiện sản xuất đơn giản, chất lượng kém, giá thành cao…”, ông Hưng nhận định.
Mặt khác, Việt Nam hiện cũng chưa định hướng được hướng phát triển CNPT là gì nên nhiều DN lúng túng không biết nên sản xuất cái gì, sản xuất ra sao. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng từng cho biết, khi các lĩnh vực công nghiệp chưa đủ lớn thì khó có thể đầu tư CNPT. Ví dụ như ngành ô tô, khi các công ty Samco, Trường Hải… bắt đầu phát triển lớn thì sẽ kéo theo một số DN chuyên sản xuất thiết bị phụ trợ cho ngành ô tô. Tuy nhiên, nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, người ta yêu cầu rất nhiều công ty, trong đó có nhiều công ty nhỏ và thậm chí rất nhỏ để cung cấp linh kiện cho họ (như thị trường xe máy), nhưng số DN cung cấp được linh kiện lại rất ít và phần lớn tập trung chủ yếu là các DN nước ngoài đang đầu tư ở các khu công nghiệp.
“Nhận thức về CNPT ở Việt Nam chưa đầy đủ vì khi nói đến phụ trợ, nhiều DN cảm thấy như nghề phụ. Nhưng theo tôi, cần phải coi trọng hơn về CNPT. Bởi tất cả sản phẩm của các DN phụ trợ là một thành phần của sản phẩm chính và như vậy nó phải đạt yêu cầu về chất lượng như những sản phẩm chính. Thực tế, một con ốc vít, một cái chíp hay một cái vỏ bao bì đều có vai trò quan trọng trong một cái sản phẩm hoàn chỉnh”, ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội bao bì Việt Nam, nói.
Cần định hướng chiến lược
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, một khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do đối với châu Âu hay cộng đồng ASEAN, việc phát triển CNPT gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là rất quan trọng. Chẳng hạn muốn ưu đãi thuế quan trong ASEAN, tỷ lệ nội địa hóa phải đạt ít nhất 40%. Đối với việc gia nhập TPP, nguồn gốc xuất xứ cũng rất quan trọng vì phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc trong khối TPP.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, muốn đầu tư có bài bản thì cần nhiều hỗ trợ của Nhà nước. “Thứ nhất là định hướng chiến lược của công nghiệp Việt Nam là nhắm vào cái gì, chẳng hạn như ô tô, điện, điện tử… khi đó chúng ta mới có thể mở rộng thị trường ra và gắn với CNPT trong nước. Thứ hai, khi chúng ta kêu gọi đầu tư từ nước ngoài vào mặt hàng nào đó ở Việt Nam, phải yêu cầu họ sử dụng những hàng hóa phụ trợ trong nước. Thứ ba, Nhà nước phải hỗ trợ về chính sách như đất đai, giá tiền thuê đất, lãi suất ngân hàng, quan trọng nhất là xác định tạo ra thị trường cho ngành CNPT, bởi khi chưa có thị trường, thì khó thu hút DN đầu tư”.
Trong khi đó, theo ông Hubert Lienhard, Chủ tịch Ủy Ban châu Á - Thái Bình Dương của DN Đức, CNPT Việt Nam nên chọn một dòng sản phẩm chủ lực để đầu tư và phát triển, từ đó mới có thể định hướng cho DN Việt Nam phát triển như thế nào. Bởi đầu tư CNPT cũng chính là đầu tư phát triển cho các DN vừa và nhỏ. Nếu không có hoạch định rõ ràng, DN Việt Nam sẽ khó có thể phát triển và chen chân được vào các chuỗi cung ứng khi mà các nhà sản xuất công nghiệp trên toàn cầu đều đã có những lựa chọn đối tác hợp tác cho mình.