Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

08:25, 12/11/2014

Vừa qua UBND tỉnh đã quyết định bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (HANT) tại 29 xã thuộc 6 huyện, thị xã của tỉnh cho Công ty Điện lực Thái Nguyên quản lý vận hành và bán điện trực tiếp đến tận hộ dân nông thôn.

Dự án năng lượng nông thôn 2 (REII) tỉnh Thái Nguyên đến nay cơ bản đã hoàn thành và chủ yếu được bàn giao cho các hợp tác xã (HTX) dịch  vụ  điện  quản lý, bán điện cho nhân dân. Một số HTX dịch vụ điện hoạt động không hiệu quả, hạch toán chi phí kinh doanh điện không rõ ràng, không đủ khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng để đầu tư dự án và vốn để cải tạo, sửa chữa lưới điện. Mặt khác, giá bán điện của các HTX vẫn còn cao hơn so với quy định của ngành Điện, lưới điện ngoài dự án cũ nát, không đảm bảo an toàn cho người và gia súc. Vì vậy UBND tỉnh quyết định bàn giao lưới điện HANT tại 29 xã cho Công ty Điện lực Thái Nguyên quản lý vận hành và bán điện trực tiếp đến tận hộ dân. Theo lộ trình sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ tận dụng các nguồn vốn của ngành điện để cải tạo các lưới điện HANT, cố gắng đáp ứng các tiêu chí “Xây dựng nông thôn mới”. Dự kiến việc cải tạo lưới điện sẽ hoàn thành trong năm 2015.

 

Được biết, lưới điện hạ thế nông thôn tại 29 xã bàn giao cho Công ty Điện lực Thái Nguyên gồm 2 phần: Phần trong dự án và phần ngoài dự án. Các dự án ReII và ReII mở rộng đầu tư cải tạo khoảng 60% lưới điện hạ áp trong xã, 40% lưới điện còn lại do các HTX dịch vụ điện và nhân dân đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, riêng với phần ngoài dự án là phần lưới điện do các HTX dịch vụ điện và nhân dân đầu tư xây dựng, do được đầu tư tự phát, không có thiết kế, chủ yếu dùng cột bê tông tự đúc, cột tre, móng đất, dây trần cũ nát, nhiều mối nối không đảm bảo an toàn khi vận hành. Bán kính cấp điện lớn nên chất lượng điện năng rất kém nhất là vào giờ cao điểm. Mặt khác do dây dẫn dùng dây trần, nhiều mối nối nên tổn thất điện năng lớn và rất nguy hiểm khi mưa gió. Hầu hết lưới điện hạ thế được xây dựng đã lâu nhưng không được đầu tư sửa chữa nên lưới điện hạ thế xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cao. Từ thực trạng trên cho thấy, lưới điện nông thôn do các HTX quản lý đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Công Thương ban hành. Nếu các HTX tiếp tục quản lý vận hành khai thác bán điện trong khi không có đủ khả năng để đầu tư sửa chữa cải tao nâng cấp thì nguy cơ mất an toàn ngày càng lớn, tổn thất ngày càng cao, gây lãng phí một lượng tiền rất lớn của xã hội mà không ai khác là người dân ở nông thôn phải gánh chịu sự lãng phí này. Hơn nữa, với sự phát triển của phụ tải ở mức trên 10% năm, thì trong một vài năm tới toàn bộ hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn tỉnh Thái Nguyên nếu không được đầu tư đúng mức sẽ bị mất cân đối, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, chất lượng điện năng kém, giá bán điện đến các hộ dân tăng cao và đặc biệt hơn cả là sự mất an toàn về người và tài sản của nhân dân, không đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa khu vực nông thôn theo Nghị quyết thứ VII khóa X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 

Xuất phát từ thực trạng quản lý điện nông thôn và thực trạng lưới điện hạ thế nông thôn hiện nay, việc thực hiện chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán điện đến tận hộ dân của ngành Điện là một việc làm hết sức cần thiết. Vì vậy, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai tiếp nhận lưới điện hạ thế trên địa bàn toàn tỉnh theo chủ trương của tỉnh để đầu tư, cải tạo, sửa chữa, bán điện trực tiếp đến các hộ dân trên cơ sở địa phương tự nguyện bàn giao nguyên trạng lưới điện hạ thế theo hình thức tăng giảm tài sản, không hoàn trả vốn. Công ty Điện lực Thái nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo và 2 tổ công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để triển khai công tác tiếp nhận tại 6 huyện, thị xã: Định Hóa, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương, Sông Công. Các tổ công tác đã trực tiếp phối hợp với Ban quản lý dự án ReII, các Sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, xã và các HTX dịch vụ điện để lập hồ sơ tiếp nhận; đồng thời lập hồ sơ cải tạo lưới điện HANT sau tiếp nhận. Công tác tiếp nhận lưới điện HANT đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương, sở, ban ngành trong tỉnh.

 

Chính vì vậy, để việc tiếp nhận đảm bảo đúng quy định của pháp luật và theo đúng tiến độ đã đề ra, trong thời gian từ ngày 21/10/2014, Công ty đã tổ chức hội nghị mời UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư, Liên minh các HTX tỉnh cùng các ban ngành liên quan trong tỉnh thống nhất kế hoạch và phương thức thực hiện giao nhận tài sản lưới điện HANT tại 29 xã trong tỉnh.

 

Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ lập phương án sửa chữa, cải tạo tối thiểu lưới điện HANT, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn khi bán điện. Công ty đã rà soát kiểm tra lưới điện, lập phương án thay ngay dây dẫn tại các nhánh dây xung yếu, thay cột tre, cột gỗ, thay các công tơ chết cháy, đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện. Hàng năm, căn cứ vào nguồn vốn bố trí được, Công ty sẽ lựa chọn đầu tư, cải tạo, nâng cấp dần dần lưới điện bảo đảm an toàn khi vận hành và chất lượng điện năng cho các hộ sử dụng. Tin rằng, chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý để bán điện trực tiếp đến tận hộ dân khi đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn./.