Ông Trần Thanh Tiến, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam ở xóm Na Long, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) là một tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế và nỗ lực vươn lên khẳng định phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.
Năm 1967, vừa tròn 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Tiến xung phong lên đường nhập ngũ. Ông đóng quân và chiến đấu tại chiến trường thuộc tỉnh Quảng Nam. Trong một trận đánh, ông bị thương, được chuyển về tuyến sau điều trị. Đến năm 1977, ông Tiến phục viên. Về lại quê hương, ông lập gia đình và sinh được 4 người con gồm 1 trai và 3 gái.
Ông tâm sự: Các con khi mới sinh ra đều khỏe mạnh, vợ chồng chăm chỉ làm lụng trên 3 sào ruộng sẵn có. Tôi cũng lăn lộn đi làm thuê để tăng thu nhập, chăm lo cho gia đình. Bên cạnh đó, tôi càng hăng hái tham gia công tác của xóm như: Trưởng ban Công tác Mặt trận; Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam; Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh. Nhưng rồi con trai của tôi càng lớn thì sức khỏe càng giảm sút, trí tuệ cũng phát triển chậm. Tôi đưa con đi chạy chữa tại nhiều nơi, tốn kém tiền của nhưng vẫn không khỏi, trong khi hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn. Cuối cùng, đến năm 2008, tôi được hưởng chế độ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam điôxin thì cũng đồng thời được biết con đã bị lây nhiễm chất độc da cam từ mình, tôi đành nén nỗi đau chấp nhận hoàn cảnh. Nhiều khi, nhìn con chậm chạp, ngẩn ngơ, tôi đau thắt trong lòng. Bản thân tôi những khi thời tiết thay đổi thì toàn thân cũng bị đau, nhức; vết thương cũ ở chân tái phát gây đau đớn khiến tôi đi lại khó khăn. Mặc dù vậy, với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, được rèn luyện qua quân ngũ, tôi đã không nản lòng mà luôn động viên vợ con cùng vượt qua khó khăn.
Thời điểm khi các con còn nhỏ, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng và số tiền ít ỏi do ông đi làm thuê ở cửa hàng xay xát và công nhân xây dựng. Ông Tiến không khỏi trăn trở và suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo. Cuối cùng ông quyết định không đi làm thuê nữa mà tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 1997, ông đã bán ngôi nhà đang ở và vay thêm tiền anh em bạn bè mua được 3 ha đất đồi rừng, 1 ít ruộng ở cuối xóm Na Long. Có ruộng có đất rồi, vợ chồng ông chăm chỉ cải tạo đất, dành dụm tiền để mua giống chè cành và chè trung du về trồng, tham gia các dự án về trồng rừng triển khai tại địa phương. Bên cạnh đó, ông Tiến cũng tích cực trau dồi kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi qua sách báo và các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức. Chăm chỉ làm lụng, đến năm 2007, gia đình ông đã mở rộng diện tích chè cành thành 20 sào, trồng được 2 ha rừng keo, vầu và trên 300 gốc nhãn. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng phát triển đàn gà nuôi lên đến hàng trăm con mỗi năm.
Ông Tiến chia sẻ: Khi mới đầu tư cho trồng trọt, tôi chưa biết gì về trồng chè. Đến nay, qua tích lũy kinh nghiệm, tôi đã có cách chăm bón, đốn tỉa cây chè phù hợp để mỗi năm thu được 9 lứa chè chất lượng cao. Trong chăn nuôi, tôi rút ra kinh nghiệm là phải giữ gìn vệ sinh môi trường và tiêm phòng đầy đủ. Với kinh nghiệm trong trồng trọt chăn nuôi của mình, hiện nay, ông Tiến và gia đình đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế bền vững, cho thu nhập ổn định, thường xuyên. Tính trung bình trong những năm gần đây, sau khi trừ hết các chi phí, gia đình ông Tiến đã thu lãi gần 150 triệu đồng. Từ đó, gia đình ông đã thoát nghèo và chăm lo cho các con đầy đủ, xây được nhà, mua sắm các vật dụng, máy móc phục vụ sản xuất…