Năm 2013, sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh đạt 440 nghìn tấn; chè đạt trên 190 nghìn tấn; thủy sản đạt xấp xỉ 7 nghìn tấn; thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 90 nghìn tấn… Thực tế này cho thấy, sản phẩm nông sản của tỉnh sản xuất ra hằng năm khá lớn.
Nhằm tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm nông sản, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định; các đơn vị đăng ký thương hiệu còn ít. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được tiêu chí về đăng ký bảo hộ thương hiệu; chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác đơn điệu, thiếu tính thẩm mỹ, chưa tạo được thiện cảm với người tiêu dùng; hoạt động quảng bá sản phẩm mới thực hiện trong phạm vi hẹp chứ chưa sâu rộng, đồng bộ… nên số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại thị trường lớn chưa nhiều, giá bán bấp bênh.
Đơn cử như với sản phẩm chè - mặt hàng nông sản mũi nhọn của tỉnh, ngoài các vùng chè nổi tiêng như Tân Cương (T.P Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Trại Cài (Đồng Hỷ) đã tìm được đầu ra tương đối ổn định thì ở các vùng chè khác, đầu ra cho sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán (Đồng Hỷ) cho biết: Mỗi năm, chúng tôi sản xuất được khoảng 600 tấn chè búp khô. Do chưa đầu tư nâng cao chất lượng, dán nhãn mác, đóng bao bì, quảng bá sản phẩm nên chè ở đây chỉ bán được với giá thấp và không ổn định. Vào thời điểm chính vụ, mỗi kg chè ở đây chỉ bán được với giá trên, dưới 100 nghìn đồng, thấp hơn 2, 3 thậm chí 4, 5 lần so với một số vùng chè khác trong tỉnh.
Đặc biệt, có rất ít sản phẩm nông sản của tỉnh đáp ứng được yêu cầu của kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi lớn trong, ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới. Cụ thể với sản phẩm rau xanh, Thái Nguyên có tiềm năng rất lớn khi có tới 10.000ha đất trồng rau, trong đó có trên 2.000ha đất trồng rau chuyên canh. Thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh cũng phù hợp cho nhiều loại rau phát triển, tuy nhiên, hiện nay, loại nông sản này hầu như chỉ được bán trôi nổi trên thị trường, tại các chợ đầu mối trong, ngoài tỉnh chứ chưa được bày bán trong các siêu thị lớn trong nước hoặc xuất khẩu.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Để các mặt hàng nông sản của tỉnh có đầu ra ổn định, thuận lợi thì việc xúc tiến tìm kiến thị trường tiêu thụ sản phẩm đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế như hiện nay, khi canh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, người sản xuất phải có ý thức sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, bao bì, mẫu mã, thương hiệu, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm thì hoạt động xúc tiến tìm kiếm các kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ mới đạt kết quả như mong muốn. Về phía các doanh nghiệp, phải có ý thức đăng ký, bảo hộ thương hiệu nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa của đơn vị mình. Đây cũng là cầu nối đổi các sản phẩm của tỉnh có thể gia nhập thị trường bán lẻ hiện đại, giảm thiểu rủi ro khi tham gia cạnh tranh và là cơ sở pháp lý để pháp luật bảo hộ khi có tranh chấp.
Bên cạnh những điều kiện “cần” như vừa nêu trên thì để hoạt động xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản được thuận lợi rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng. Trong đó, việc hỗ trợ và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các đơn vị sản xuất kinh doanh (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và hợp tác xã) trên địa bàn cần phải được chú trọng. Cụ thể là hỗ trợ xây dựng, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu; đào tạo nguồn lực; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa thông qua hệ thống xúc tiến thương mại, khảo sát tiềm năng của các sản phẩm thế mạnh trong tỉnh và thị trường tiêu thụ tại các tỉnh bạn…
Được biết hiện nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) đang xây dựng “Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, nông sản của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh cho hay: Chúng tôi rất mong tỉnh phê duyệt để Chương trình nhanh chóng được triển khai và khi đó, việc hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng này sẽ được thực hiện, từ đó tạo điều kiện để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh đến với các thị trường lớn trong nước và quốc tế…
Khi việc hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ thành công và được nhân rộng đồng nghĩa với việc thu nhập của người nông dân sẽ ổn định và được nâng lên; nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng tăng cao hơn. Theo đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ, cơ cấu kinh tế nông thôn sẽ thúc đẩy…