Theo báo cáo mới nhất đầu tháng 12- 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam đang cho thấy là quốc gia có bước tiến nhất định, những tín hiệu tốt về kinh tế trong năm nay. Trước hết là nền kinh tế đang phục hồi nhờ Chính phủ Việt Nam đã có nhưng bước đi khá mạnh mẽ, quyết liệt để hạn chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là đã có những giải pháp chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước tháo gỡ những khó khăn để cải thiện môi trường đầu tư, tạo các cơ chế giúp cho các doanh nghiệp về vốn, môi trường kinh doanh để thoát ra khỏi khủng hoảng, ổn định sản xuất.
Nổi bật trong năm qua đó là xuất khẩu tăng khá nhanh, các hoạt động trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo được đẩy mạnh, an sinh xã hội cũng có nhiều tiến bộ… Việt Nam cũng đang là điểm đến cho các nhà đầu tư do có những bước cải cách thể chế hành chính, chính sách thu hút đầu tư và tình hình chính trị, xã hội ổn định. Kinh tế vĩ mô ổn định cũng đã giúp cho Việt Nam phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp Việt Nam cải thiện xếp hạng về rủi ro quốc gia. Theo nhận định của WB thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức tăng vừa phải, khoảng 5,6% trong năm 2014 (theo báo cáo của Chính phủ ước đạt 5,8%) và kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố, ổn định. Đây là những dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế của Việt Nam.
Theo báo cáo của WB thì Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thực hiện cải cách và hoàn thiện môi trường đấu tư trong những năm tới một cách mạnh mẽ, trong đó việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cắt giảm thủ tục, chi phí hành chính, tăng cường giải trình và tính minh bạch của các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ là những khâu quanh trọng để tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Cùng với đó Việt Nam cũng đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đây hy vọng sẽ là những điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch cho công tác quản trị doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động thông thoáng và bình đẳng hơn, có môi trường sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 72 trong số 189 nền kinh tế thế giới về mức độ thuận lợi cho môi trường kinh doanh; về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cũng đã tiến 2 bậc từ vị trí 70 lên 68 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của 144 nền kinh tế do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố. Về tăng trưởng kinh tế WB cũng nêu rõ khu vực các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng trưởng rõ ràng hơn, còn khu vực các doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên sự tăng trưởng kinh tế của việt Nam cũng vẫn còn đứng trước những thách thức và rủi ro về lĩnh vực ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước chậm cải cách; lĩnh vực xuất khẩu tăng khá nhưng còn tiềm ẩn sự không bền vững do ảnh hưởng những diễn biến bất lợi của các nền kinh tế khu vực và thế giới.
Về tăng trưởng kinh tế năm 2015, theo báo Điện tử Chính phủ công bố, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% ...; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.